TPHCM:
Nhiều doanh nghiệp giải thể, lao động thất nghiệp tăng nhanh
(Dân trí) - Trong tháng 5, tình hình lao động TPHCM tiếp tục mất ổn định khi mà nhiều doanh nghiệp giải thể, sa thải nhân viên, người đăng ký thất nghiệp tăng nhanh…
Để có cái nhìn tổng quan về thị trường lao động tháng 5, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát, cập nhật thông tin cầu lao động tại gần 2.300 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 28.000 lao động và thông tin của gần 11.000 người tìm việc.
Từ số liệu trên, Falmi đã thống kê và cho biết: “Chỉ số cầu nhân lực tháng 5 cao hơn tháng 4 gần 34,8%”. Trong đó, nhóm ngành quản lý nhân sự - hành chính văn phòng vẫn có nhu cầu cao với lượng tuyển dụng chiếm hơn 20% nhu cầu toàn thị trường; nhóm ngành dịch vụ - phục vụ cũng chiếm gần 16%; nhóm ngành Kinh doanh – maketing cũng chiếm gần 14,4%; nhóm ngành dệt may – da giày chiếm hơn 12%; các ngành khác đều dưới 10%.
Tuy nhiên, một nhân tố bất ổn của thị trường là tình hình lao động mất việc vẫn tiếp diễn và có chiều hướng xấu hơn những tháng đầu năm. Theo báo cáo của Falmi thì trong tháng 5, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục gặp nhiều hạn chế; một số doanh nghiệp vừa và nhỏ phải thu hẹp sản xuất, giải thể, tình trạng công nhân đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, mất việc làm tăng nhiều so với quý I/2012.
Ngoài ra, trong tháng 5, thị trường lao động tiếp tục mất cân đối về số lượng và chất lượng giữa nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung nhân lực ở một số nhóm ngành nghề như: Kế toán – Kiểm toán, Quản lý điều hành, Xây dựng – Kiến trúc, Nhân viên kinh doanh – Marketing, Bán hàng, …
Ông Nguyễn Minh Hiếu, Mạng cung ứng nhân lực Chonviec.com cũng cho biết: “Tình hình tuyển dụng đang lâm vào cảnh khó khăn, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng ngày càng đặt ra nhiều yêu cầu khắc khe đối với ứng viên tìm việc. Tổng thể thì nhu cầu tuyển dụng có tăng nhưng số người thực tuyển (được tuyển dụng) thì lại giảm chừng 30% – 40%. Tỷ lệ nhân lực vừa mất việc và đi tìm việc mới trong đội ngũ ứng viên tìm việc của mạng này có dấu hiệu tăng mạnh”.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc thường trực Falmi đánh giá: “Nhìn chung thị trường lao động trong tháng 5 thì tình trạng lao động bị mất việc, thôi việc đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục tăng theo xu hướng không ổn định”.
Dự báo tình hình lao động tháng 6, ông Trần Anh Tuấn cho rằng: “Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gia công - sản xuất, chế biến tiếp tục còn nhiều khó khăn trong quá trình ổn định phát triển sản xuất kinh doanh. Vì vậy, thị trường lao động thành phố chưa thật sự ổn định và vẫn phát sinh nhiều nghịch lý, tồn tại mất cân đối giữa nhu cầu nhân lực và nhu cầu việc làm”.
Theo ông, dự kiến nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong tháng 6 là khoảng 27.000 lao động. Trong đó, các doanh nghiệp vẫn chú trọng tuyển dụng lao động có tay nghề và trình độ chuyên môn kỹ thuật, cụ thể trình độ chuyên môn Đại học trở lên khoảng 11%; cao đẳng, trung cấp khoảng 35%; công nhân kỹ thuật chỉ khoảng 5%; sơ cấp nghề và lao động phổ thông là 49%.
Ông cũng dự báo là tình trạng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp vẫn xu hướng tăng không ổn định; khả năng giảm việc làm, tinh gọn nhân sự tại nhiều doanh nghiệp có thể diễn ra dẫn đến một số người lao động tay nghề, năng suất lao động thấp có thể sẽ mất việc làm, tìm việc làm khác.
Từ thực tế thị trường, ông Trần Anh Tuấn kiến nghị nhà nước và thành phố cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp thông tin thị trường lao động, giới thiệu việc làm, tái đào tạo nhân lực để đáp ứng nhu cầu việc làm mới… Có như thế mới có thể giảm bớt những khó khăn nghịch lý, ổn định thị trường lao động trong quý II/2012 và tạo điều kiện để thị trường phát triển khả quan hơn trong 6 tháng cuối năm.
Tùng Nguyên