Nhật ký của công nhân "nhập ngũ" mùa Covid-19
(Dân trí) - "Đêm đầu tiên tôi nằm "lều", lạ nhà và tâm trạng lo lắng nên hơi khó ngủ. Nhưng đến ngày thứ 2, mọi việc đều ổn. Trong này điều hòa mát lạnh và ngủ ngon hơn ở nhà", Chị Vũ Thị Nhâm nhớ lại.
Hỗ trợ ăn ở, thêm tiền cho công nhân
Chị Vũ Thị Nhâm (28 tuổi, quê ở Bắc Sơn Hòa Bình) đã có 10 năm làm việc tại công ty điện tử Hàn Quốc trong khu công nghiệp Yên Phong Bắc Ninh. Từ tháng 6, chị cùng công nhân trong công ty xách ba lô vào "ngôi nhà chung" chuẩn bị tinh thần "3 tại chỗ" trong 21 ngày.
Làm việc 8 tiếng/ngày, chị Vũ Thị Nhâm có mức thu nhập 8 triệu/tháng. Chị còn được hỗ trợ thêm 100.000 đồng/ngày, miễn phí 3 bữa ăn/ngày và một số đồ dùng cá nhân trong mùa dịch Covid-19.
"Đêm đầu tiên tôi nằm "lều" và lạ nhà. Chưa kể tâm trạng lo lắng nên hơi khó ngủ. Nhưng đến ngày thứ 2, mọi việc đều ổn. Trong này điều hòa mát lạnh và ngủ ngon còn hơn ở nhà", Chị Vũ Thị Nhâm nhớ lại.
Cùng hoàn cảnh chị Nguyễn Thị Trang (24 tuổi) quê ở huyện Phù Yên - Sơn La làm công nhân được 6 năm cho một công ty điện tử Nhật Bản ở khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh.
Để đảm bảo riêng tư cho người lao động, công ty chị Nguyễn Thị Trang đã mua rất nhiều lều cá nhân, bố trí lắp đặt rất khoa học. Khu sinh hoạt của công nhân cũng có đầy đủ các tiện ích như wifi, điều hòa, máy vắt quần áo. Công ty cũng lo bữa ăn miễn phí, đồng thời hỗ trợ thêm các công nhân làm việc tại nhà máy 100.000 đồng/ngày và 100.000 đồng tiền điện thoại.
May mắn hơn, khi chị Diệp Thị Huệ (SN 1997) quê ở Sơn Dương - Tuyên Quang làm công nhân khu công nghiệp Quế Võ Bắc Ninh. Chị được công ty cho ở ký túc xá từ ngày 2/6 đến ngày 23/6
Đi làm trong mùa dịch, chị Diệp Thị Huệ được công ty hỗ trợ 100.000 đồng/ngày, hưởng mức lương 150%. Thu nhập của chị tăng lên so với trước khi có dịch tầm 4-5 triệu đồng/tháng.
Tránh "đứt gãy" chuỗi sản xuất
Với việc tổ chức cho công nhân làm việc và ăn ở ngay tại nhà máy nhưng đầy đủ tiện nghi, nhiều doanh nghiệp đã góp phần hạn chế việc lây lan dịch Covid-19 và đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Đánh giá về mô hình trên, chị Lê Thị Dung, Ủy viên ban chấp hành công đoàn của một doanh nghiệp tại khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh), nói: "Việc triển khai bố trí công nhân lưu trú làm việc tại các nhà máy giúp doanh nghiệp không phải lo lắng dịch bệnh xâm nhập. Chuỗi sản xuất của nhà máy không bị gián đoạn".
Theo chị Lê Thị Dung, khi các doanh nghiệp thực hiện phương án làm cùng, ăn cùng, ngủ cùng một cách nghiêm túc, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì sẽ giảm thiểu được nguy cơ lây nhiễm. Nếu có xảy ra dịch bệnh, chỉ bị ở một nhóm nhỏ nên dễ dàng cho công tác khoanh vùng và dập dịch.
Người lao động sẽ phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ mới được vào nhà máy làm việc. Đồng thời, người lao động phải cam kết ở lại làm việc, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của các cơ quan chức năng, trừ trường hợp đặc biệt.
Chia sẻ thêm về mô hình này, anh Nguyễn Quốc Lực, phòng văn hóa và tổ chức một doanh nghiệp FDI tại KCN Yên Phong Bắc Ninh chia sẻ: "Với khả năng có thể, công ty đã cố gắng sắp xếp chỗ ăn, ngủ cho cán bộ công nhân viên để đảm bảo sinh hoạt và làm việc, chưa kể hỗ trợ thêm một số đồ dùng cá nhân, miễn phí 3 bữa ăn/ngày ".
Theo anh Nguyễn Quốc Lực, công ty lắp đặt vách ngăn tạo thành nhiều khu vực riêng biệt, dán decal tối màu tại các cửa kính và tặng combo bịt mắt, bịt tai để nhân viên dễ ngủ hơn.
Ngoài ra, công ty nơi anh Nguyễn Quốc Lực làm việc còn tiến hành xét nghiệm và tiêm vắc xin cho nhân viên. Trong quá trình làm việc và lưu trú nhân viên sẽ được khám sức khỏe định kỳ.
Từ đó, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" của Chính phủ và triển khai kế hoạch sản xuất của nhà máy, cơ sở sản xuất, đặc biệt là trong KCN có dịch xảy ra trên diện rộng.