Nhật Bản thiếu hụt lao động, tuyển dụng cả người đã 70 tuổi
(Dân trí) - Trước tình trạng thiếu lao động trẻ, nguồn lao động nước ngoài sụt giảm, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang phải tuyển dụng nhân sự trên 65 tuổi, thậm chí hơn 70 tuổi để làm việc.
Khủng hoảng nhân sự
Tại Nhật Bản, công ty Nojima đã loại bỏ giới hạn tuổi nghỉ hưu từ năm 2021 và đang tuyển dụng khoảng 30 công nhân từ 70 tuổi trở lên, trong đó có 3 người 80 tuổi.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tỷ lệ các công ty có chương trình tuyển dụng người từ 70 tuổi trở lên đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua, lên mức 39%. Tỷ lệ doanh nghiệp có độ tuổi nghỉ hưu từ 65 tuổi trở lên tăng 25% trong cùng kỳ.
Sau lần sửa đổi pháp luật về lao động năm 2013, các công ty được yêu cầu tuyển dụng lao động cho đến 65 tuổi. Ban đầu, các doanh nghiệp phản đối vì sợ thuê lao động lớn tuổi sẽ làm tăng chi phí. Tuy nhiên, sau đó họ vẫn phải chấp nhận bởi tình trạng thiếu lao động trầm trọng.
Theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật, nhân sự từ 65 tuổi trở lên tại các doanh nghiệp đạt tổng cộng 6,39 triệu người vào năm 2022, chiếm tỷ lệ kỷ lục 10,6%.
Đáng chú ý, những ngành có tỷ lệ người lớn tuổi làm việc cao cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng. Trong đó, 15% nhân sự ở ngành xây dựng và chăm sóc điều dưỡng là người cao tuổi (65 tuổi trở lên); ngành vận tải là 10%; nghề tài xế taxi và xe buýt là 30%.
Ukita Sangyo Kotsu, một nhà điều hành hãng taxi ở tỉnh Akita (miền bắc Nhật Bản) cho biết, đơn vị vừa tuyển dụng khoảng 25 tài xế, hầu hết đều từ 65 tuổi trở lên. Được biết, trong số 47 tỉnh thành của Nhật Bản, Akita có tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên cao nhất.
Theo Tadakatsu Ukita, Chủ tịch hãng taxi: "Trong 2 tháng, chỉ có 1 người nộp đơn xin việc. Người trẻ hầu hết rời khỏi tỉnh, chúng tôi không thể tồn tại nếu không tuyển dụng lao động cao tuổi".
Việc nhân sự cao tuổi chiếm phần lớn ở Nhật Bản đã gây ra một số hệ lụy đáng kể. Thực tế, số lượng người lao động cao tuổi ngày càng tăng thì tai nạn lao động cũng tăng theo. Trong năm 2022, tổng số vụ tai nạn liên quan đến nhân viên từ 60 tuổi trở lên là khoảng 38.000 vụ, tăng 26% so với 5 năm trước.
Không những vậy, mặc dù nhu cầu việc làm ngày càng tăng, lương của người lao động cao tuổi vẫn dậm chân tại chỗ. Theo Bộ Lao động, trong một thập kỷ tính đến năm 2022, mức lương trung bình của lao động 65-69 tuổi tăng 6%, nhưng giảm 9% đối với những người từ 70 tuổi trở lên. Việc làm tốt không phải lúc nào cũng dành cho nhân sự trên 70 tuổi. Họ phải nhận làm những công việc mà lao động trẻ né tránh.
Khó tuyển người trẻ và lao động ngoài nước
Trước những khủng hoảng về nhân sự, các chuyên gia chỉ ra nguyên nhân là do doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm lao động nước ngoài khi đồng yên suy yếu.
Ngoài ra, tốc độ tham gia lao động của phụ nữ có con nhỏ bị đình trệ cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tuyển dụng. Người sử dụng lao động phải dựa vào người già để bù đắp cho số lượng lao động độ tuổi 15-64 đang suy giảm.
Trong số các ngành nghề, vận tải và hậu cần là 2 lĩnh vực đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng. Các công ty xe tải không thể thu hút được lao động trẻ, một phần vì lương thấp và thời gian làm việc nhiều.
Vào năm 2021, số giờ làm việc trung bình hàng năm của một tài xế xe tải hạng nặng là 2.544 giờ, dài hơn 432 giờ so với mức trung bình của tất cả các công việc. Trong khi đó, thu nhập hàng năm là 4,63 triệu yên, thấp hơn khoảng 5% so với mức trung bình của toàn ngành.
Naoaki Fujino, chiến lược gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết tuyển dụng lao động nước ngoài là một lựa chọn. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng không nên bóc lột họ như một lao động giá rẻ.
"Ngoài việc số hóa và tiêu chuẩn hóa hoạt động, tăng lương cho tài xế cũng là điều cần thiết để thu hút lao động trẻ tuổi, nhân sự nước ngoài", ông nói.
Để giải quyết vấn đề, Nhật Bản đang lên kế hoạch mở rộng khung thị thực cho lao động có tay nghề nhằm thu hút nhân sự nước ngoài. Liên đoàn các Hiệp hội cho thuê taxi Nhật Bản và Hiệp hội xe buýt Nihon cũng đang nỗ lực tuyển dụng công dân nước ngoài.
"Một thách thức nghiêm trọng mà doanh nghiệp xe buýt đang phải đối mặt và cần giải quyết là thiếu tài xế. Số lượng xe buýt hoạt động đang giảm nên chúng tôi không thể chờ đợi được nữa", đại diện Hiệp hội xe buýt Nihon cho biết.
Theo ước tính của Viện nghiên cứu Nomura, nếu không có biện pháp nào được thực hiện để giải quyết vấn đề, ngành này có thể chỉ có khả năng vận chuyển hàng hóa ít hơn khoảng 35% vào năm 2030 so với mức của năm 2015.