Nhật Bản: Lương làm thêm, thời gian làm việc và nghỉ ngơi được quy định ra sao?
(Dân trí) - Đại sứ quán Nhật Bản mới đây đã công bố cuốn sách “Sổ tay hướng dẫn cư trú và lao động” nhằm cung cấp cho người nước ngoài cư trú và làm việc an toàn tại Nhật Bản các thông tin cơ bản về lĩnh vực lao động việc làm, trong đó có các nội dung về tiền lương, thời gian làm thêm...
Thời gian làm việc, thời gian nghỉ, ngày nghỉ
Tại Nhật Bản, thời gian làm việc tối đa được quy định theo pháp luật. Theo Luật Tiêu chuẩn lao động, số giờ làm việc tối đa nên là 8 giờ/ngày và 40 giờ/tuần (số giờ làm việc hợp pháp). Nếu một công ty muốn người lao động làm thêm giờ, công ty phải trả thêm tiền lương.
Ngoài ra, một công ty phải cho phép người lao động, trong giờ làm việc, nghỉ ngơi ít nhất 45 phút nếu số giờ làm việc mỗi ngày vượt quá 6 giờ và ít nhất 60 phút nếu vượt quá 8 giờ.
Công ty phải cho người lao động ít nhất 1 ngày nghỉ (ngày nghỉ hợp pháp) mỗi tuần, hoặc ít nhất 4 ngày nghỉ trong khoảng thời gian 4 tuần.
Mặc dù cơ quan phái cử sẽ chịu trách nhiệm quyết định về điều kiện làm việc của lao động phái cử, bao gồm thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, ngày nghỉ, v.v., nhưng công ty tiếp nhận người lao động sẽ chịu trách nhiệm tuân thủ các quy tắc đó.
Nghỉ phép có lương hàng năm
Nghỉ phép có lương hàng năm là một kỳ nghỉ mà người lao động có thể nghỉ và vẫn nhận tiền lương.
Một người lao động đã làm việc liên tục trong 6 tháng và đi làm ít nhất 80% tổng số ngày làm việc có thể được nghỉ phép có lương hàng năm 10 ngày.
Hơn nữa, khi số năm phục vụ của người lao động tăng lên, số ngày nghỉ có lương mà người này có thể hưởng hàng năm sẽ tăng lên miễn là người lao động đáp ứng điều kiện đi làm ít nhất 80% số ngày làm việc (số ngày nghỉ phép nhiều nhất là 20 ngày).
Ngoài ra, những người lao động như lao động phái cử và lao động bán thời gian, mặc dù họ có hình thức lao động khác với lao động chính quy, sẽ được cho phép cùng số ngày nghỉ như nhân viên thường xuyên, miễn là họ: Đã làm việc liên tục trong 6 tháng, đi làm ít nhất 80% số ngày làm việc, làm việc ít nhất 5 ngày một tuần hoặc 217 ngày một năm.
Ngay cả trong trường hợp họ chỉ làm việc 4 ngày một tuần hoặc ít hơn hoặc 216 ngày một năm hoặc ít hơn, họ sẽ được nghỉ phép có lương tương đương với nhân viên bình thường, nếu thời gian làm việc theo quy định của họ ít nhất là 30 giờ một tuần.
Người lao động có thời gian làm việc theo hợp đồng là 4 ngày một tuần hoặc ít hơn hoặc 216 ngày một năm hoặc ít hơn, và có thời gian làm việc theo hợp đồng dưới 30 giờ một tuần, được nghỉ phép có lương tương ứng với số ngày làm việc.
Làm thêm giờ và làm việc vào ngày nghỉ
Một công ty phải thỏa thuận bằng văn bản (sau đây gọi là thỏa thuận 36), với công đoàn được tổ chức bởi đa số người lao động, hoặc đại diện của đa số người lao động nếu không có công đoàn được tổ chức bởi đa số người lao động, nếu công ty muốn người lao động làm việc ngoài giờ làm việc theo quy định, hoặc vào các ngày nghỉ hợp pháp.
Ngoài ra, một công ty phải trả thêm lương nếu người lao động làm việc thêm giờ, hoặc vào các ngày nghỉ hợp pháp, dựa trên thỏa thuận 36.
Cách tính tiền lương làm thêm giờ
Mức 25% trở lên đối với công việc ngoài giờ làm việc theo quy định. Đối với công việc làm thêm giờ vượt quá số giờ làm việc theo quy định 60 giờ một tháng, phải tăng lương từ 50% trở lên.
Mức 35% trở lên cho công việc vào ngày nghỉ hợp pháp (làm việc trong kỳ nghỉ).
Mức 25% trở lên cho công việc đêm muộn, 10:00 tối đến 5:00 sáng (làm việc nửa đêm). Ví dụ, trong trường hợp làm ngoài giờ, khi đó cũng là công việc đêm muộn (1 + 3), mức lương phải trả sẽ tăng từ 50% trở lên.
Tiền lương làm thêm giờ sẽ được áp dụng cho tất cả người lao động, bất kể hình thức nào. Theo đó, tiền lương làm thêm giờ sẽ được trả cho nhân viên phái cử, nhân viên hợp đồng, nhân viên bán thời gian và nhân viên tạm thời (Arubaito).
Số lượng công dân nước ngoài cư trú tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục khoảng 2,73 triệu người (tính đến cuối tháng 12/2018). Từ tháng 4/2019, Nhật Bản áp dụng việc chấp nhận lao động nước ngoài với quy chế cư trú mới. Điều này dự báo rằng số lượng người nước ngoài cư trú tại Nhật Bản sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tới.
Hoàng Mạnh