Nhân viên trường học: “trắng” đến bao giờ
Tình trạng thiếu kế toán, văn thư, nhân viên y tế tại các trường học ở Quảng Nam, Quảng Ngãi nhưng không được tuyển dụng và không được phép sử dụng lao động hợp đồng dẫn đến tình trạng quá tải công việc, sai sót do thiếu nghiệp vụ.
Cả huyện "trắng" kế toán trường học
Ông Bùi Thế Giới - Trưởng phòng GD&ĐT Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết: Từ trước đến nay, huyện Sơn Tây chưa tổ chức thi tuyển nhân viên trường học.
Trước năm 2019, các trường học không được phép ký hợp đồng lao động chuyên môn - nghiệp vụ với các vị trí kế toán, y tế, phụ trách thiết bị thí nghiệm. Chính vì vậy, 100% trường học ở Sơn Tây không có nhân viên cho các vị trí việc làm trên.
Hiện tại, kế toán của Phòng GD&ĐT kiêm luôn khối lượng công việc cho 20 đơn vị trường học trên địa bàn huyện miền núi Sơn Tây.
Ông Giới cho hay: "Dù phải đảm nhiệm một khối lượng hồ sơ sổ sách tương đối lớn nhưng kế toán của Phòng GD&ĐT Sơn Tây không nhận được thêm bất kỳ một khoản lương nào. Nếu trường học nào cân đối được có thể bồi dưỡng thêm nhưng cũng không đáng là bao".
Những năm trước, khi chưa sáp nhập các đơn vị trường học, ngành GD-ĐT Sơn Tây có 27 đơn vị, cần 48 nhân viên. Sau khi sáp nhập 7 đơn vị, trường học hiện còn thiếu 42 nhân viên gồm kế toán kiêm văn thư, y tế kiêm thủ quỹ và nhân viên thiết bị thí nghiệm.
Theo ông Giới, một người phải giải quyết hồ sơ sổ sách kế toán cho tất cả trường học thì tiến độ công việc rất áp lực. Bởi kế toán phòng phải thực hiện các chế độ chính sách cho HS, tiền lương cho GV trong khi theo quy định, kế toán phòng kiểm soát kế toán trường.
Tình trạng thiếu nhân viên trường học cũng xảy ra tại nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam.
Tại cuộc họp trực tuyến do UBND tỉnh tổ chức với các huyện, thị xã, thành phố về kế hoạch tuyển dụng GV các cấp năm 2020, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, địa phương đang thiếu hơn 100 nhân viên nhưng không được tuyển dụng, gây lúng túng cho các trường bởi đơn vị dự toán không có kế toán, khó khăn trong giao dịch ngân hàng, kho bạc.
Xây dựng phương án tuyển dụng phù hợp
Ông Trương Công Nên - Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho biết: "Không có kế toán, các trường gặp nhiều khó khăn bởi hoạt động tài chính ít nhất là 400 triệu/trường. Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND thị xã cho các trường học được hợp đồng thời vụ để giải quyết tình thế trước mắt".
Tuy nhiên, ông Nên cũng thừa nhận: Vị trí kế toán các trường học mà sử dụng hợp đồng lao động thời vụ cũng bất cập nhưng không thể không có.
Theo Sở Nội vụ Quảng Ngãi, tỉnh này đang thiếu 1.200 biên chế giáo viên nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản 10% biên chế trong năm 2021. Chính vì vậy, phải ưu tiên xin thêm biên chế GV nhưng cũng tính toán phương án thi tuyển viên chức cho các vị trí nhân viên trường học.
Đơn cử, phương án tuyển dụng chung một kế toán cho trường học của các cấp học trên cùng một địa bàn xã hoặc làm kế toán kiêm nhiệm thêm thư viện…
Được biết, nếu tỉnh Quảng Ngãi được phê duyệt 1.200 biên chế GV, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức thi tuyển trên cơ sở phân bổ phù hợp. Trong đó, sẽ không chỉ thi tuyển GV mà cả viên chức khác, bao gồm nhóm các vị trí việc làm như kế toán, nhân viên y tế… để giải quyết tình trạng "trắng" nhân viên trong trường học bấy lâu.
Hơn nữa, khắc phục tình trạng kế toán phòng kiêm nhiệm kế toán trường, tức tự mình kiểm soát chính mình.
Theo Hà Nguyên
Giáo dục và Thời đại