Nhân tài và cơ chế

Chờ đợi để được làm công chức nhà nước có thể là một quá trình “sống mòn” trong cơ quan Nhà nước của những cử nhân trẻ may mắn chen chân vào Nhà nước với đủ những vị trí như tập sự, thử việc hay hợp đồng vụ việc, hợp đồng ngắn hạ

Thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2015.
Thủ khoa xuất sắc được vinh danh tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám năm 2015.

Mới đây, trên diễn đàn QH, ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa (TP HCM) nói ra một điều khiến ông đau đáu, đó là chuyện 12/13 quán quân “Đường lên đỉnh Olympia” nhận học bổng đi du học… để rồi sau đó ở lại phục vụ cho xứ người. Nói như thế và nêu lên câu hỏi cho cả nghị trường QH cũng như cử tri cả nước: Chúng ta có trăn trở trước thực trạng này không? Và cũng để rồi, ĐBQH đề nghị cần có sự đột phá trong đào tạo, sử dụng và phát huy tối đa nguồn lực của các “Nhân tài đất Việt”.

Lạ là, điều mà ĐBQH Nguyễn Ngọc Hòa nói không có gì mới nhưng lạ hơn nữa là dù biết, dù có nhiều nghị định, thông tư, chỉ thị về vấn đề này nhưng xem ra câu chuyện của những nhân tài chưa được trọng dụng hay nói cách khác “chưa được đặt đúng chỗ” vẫn làm nhiều người cảm thấy không mấy vui vẻ. Trong đó, đương nhiên có cả các nhân tài.

Nhớ ngày xưa Thân Nhân Trung bảo rằng “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Và, với một đất nước có truyền thống hiếu học, có nền khoa cử phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, rõ ràng việc đào tạo nhân tài sẽ gặp nhiều thuận lợi. Nhưng đào tạo rồi thì sao.

Trong Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý I-2015, số người thất nghiệp có trình độ đại học và trên đại học vẫn tiếp tục tăng, với hơn 177.700 người, tăng 7,3% so với quý IV-2014 và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Và, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm lao động này lên tới gần 4%. Mà dù có thể chưa phải là nhân tài nhưng đây là nhóm lao động có tiềm năng, có chất xám và nếu được đầu tư, “chăm bẵm” tốt rất có thể những nhân lực ở khu vực này sẽ bứt phá trở thành những nhân tài, những nhà sáng chế, sáng tạo trong tương lai. Trường hợp của Nguyễn Hà Đông là một trong muôn vàn các ví dụ cụ thể.

Một thực tế nữa, được ĐB Nguyễn Ngọc Hòa nhắc đến đó là, “Cộng đồng dân cư đang đầu tư rất lớn cho thế hệ trẻ, đặc biệt các thế hệ trẻ được đi học bài bản ở nước ngoài. Nhiều bậc cha mẹ và bản thân các cháu đều mong muốn trở về Việt Nam làm việc, rất tiếc chúng ta đã lãng phí nguồn lực quý báu do thiếu những cơ chế phù hợp để khai thác và phát huy nguồn lực này.”

Nghịch lý mà ai cũng thấy là ở chỗ, thế hệ du học sinh tự túc, ra đi và không trở lại phục vụ đất nước đã đành. Kể cả những du học sinh đi theo dạng Đề án 322 hay Đề án 911 hoặc đi theo ngân sách của nhiều địa phương cũng không trở về hoặc không muốn trở về. Thế mới có chuyện cười ra nước mắt là mới đây, Đà Nẵng khởi kiện các nhân tài và đòi được bồi thường 10 tỉ đồng.

10 tỉ một con số mới thoạt nghe thì tưởng lớn lắm nhưng thực ra nó lại chẳng là bao so với niềm tin, kỳ vọng của lãnh đạo thành phố này gửi gắm vào các nhân tài của mình. Quan trọng hơn cả là nếu ra đi để trở về đóng góp cho quê hương, rất có thể những người này đã góp phần làm lợi cho thành phố và góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển của thành phố năng động miền Trung này.

Từ câu chuyện của một thành phố nhìn lại năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam chỉ với các nước trong ASEAN đã cảm thấy tủi thân. Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số xếp hạng toàn cầu về năng lực cạnh tranh của Việt Nam xếp thứ 56/140, mức thấp so với các nước trong khu vực. Singapore xếp thứ 2, Malaysia thứ 18, Thailand thứ 32, Indonesia thứ 37, Philipines thứ 47.

Năng lực cạnh tranh với nguồn nhân lực của một quốc gia ai cũng bảo nó có quan hệ mật thiết với nhau. Đấy cứ xem gương của Singapore. Người ta bảo chả ngẫu nhiên đâu mà Đảo quốc Sư tử được xếp vào hàng quốc gia toàn cầu hóa nhất thế giới. Họ còn có hẳng một chính sách bài bản để thu hút nhân tài.

Cũng không phải ngẫu nhiên Tạp chí Foreign Policy xếp Singapore là quốc gia toàn cầu hóa nhất trên thế giới. Với một chính sách bài bản và đúng đắn như vậy, Singapore xứng đáng với tên gọi “Trung tâm thu hút nhân tài” của thế giới. Thậm chí, chính những chính khách của nước này còn xác nhận việc họ tham gia vào cuộc chiến toàn cầu để giành giật nhân tài.

Và, ủng hộ quan điểm của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, báo chí nước này luôn ca ngợi nhân tài như  những người có vai trò quyết định đối với một nền kinh tế ổn định trong thời đại toàn cầu hóa.

Trông người lại ngẫm đến ta mới thấy, đào tạo được một cử nhân giỏi lý thuyết và có chút thực tế (qua những chuyến thực tập) thôi đã là khó. Thế nhưng, nếu ra trường không tìm được việc làm phù hợp, kiến thức rơi rụng thì nỗ lực đào tạo của hệ thống giáo dục lại trở về không.

Đào tạo được một cử nhân đủ trình độ để du học, bổ túc nghiệp vụ ở nước ngoài sẽ lại khó hơn chút nữa. Và, nếu nắm bắt tốt kiến thức, kỹ năng thì đây có thể là nguồn nhân tài tiềm tàng cho Tổ quốc. Chỉ tiếc, nhiều nhân tài kiểu này “một đi không trở lại” khiến tình trạng chảy máu chất xám của chúng ta đang ở mức đáng lo ngại.

Thôi thì, hãy khoan nhắc đến các nhân tài được đào tạo, bổ túc ở ngoài nước; chỉ với những cử nhân được đào tạo ở trong nước chúng ta cũng chưa thực sự có chính sách phù hợp mà ĐB Nguyễn Ngọc Hòa đã chỉ ra.

Ta đã nói nhiều đến chuyện tinh giản biên chế, cải cách chế độ công vụ, công chức nhưng, cử nhân ra trường thì nhiều người có việc làm lại ít; nhiều cử nhân phải làm trái ngành nghề được học. Chờ đợi để được làm công chức nhà nước có thể là một quá trình “sống mòn” trong cơ quan Nhà nước của những cử nhân trẻ may mắn chen chân vào Nhà nước với đủ những vị trí như tập sự, thử việc hay hợp đồng vụ việc, hợp đồng ngắn hạn. Không có điều kiện thi công chức có nghĩa chẳng có gì là chắc chắn. Mà có thi cũng chắc gì đã được tuyển.

Không có chỗ đứng thì chắc gì đã dám có chính kiến, sáng kiến; chắc gì đã có điều kiện thực sự để phát huy sở học của mình. Thật là một quá trình nan giải trên con đường tìm kiếm của cá nhân tài nước nhà, bao gồm cả những người rất có thể trở thành nhân tài trong nay mai.

Tất cả chả lẽ đều là lỗi của cơ chế; mà cơ chế thì vốn rất mù mờ, khó hiểu, khó nắm bắt trong điều kiện cơ chế của chúng ta lại hay phải thay đổi cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh phát triển cụ thể của một đất nước đang phát triển. Khó nhưng chả lẽ lại không thể thay đổi?

Theo Báo Đại Đoàn Kết