Nhân sự Việt Nam đang "chuyển mình"
(Dân trí) - Theo Navigos, đơn vị đang sở hữu mạng tuyển dụng lớn nhất Việt Nam, trong năm 2010, rất nhiều doanh nghiệp Việt có kế hoạch tăng ngân sách cho hoạt động nhân sự với mục tiêu không chỉ hội nhập mà còn bứt phá sau khủng hoảng!
Đặc biệt, tổ chức này cũng cảnh báo sự thiếu hụt nhân sự trong các nhóm thuộc lĩnh vực quản lý, nghiên cứu & phát triển sản phẩm, hoạch định chiến lược, bán hàng và marketing.
Có thể nói, nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã gần như thoát khỏi “bóng đen” của khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi và tận dụng các cơ hội tăng trưởng do giai đoạn mới mang lại, nhiều doanh nghiệp cần phải rà soát, điều chỉnh và triển khai như tài chính, thị trường, đầu tư, sản phẩm… và đặc biệt là yếu tố nhân sự.
Kết quả điều tra khảo sát trong quý I/2010 với gần 170 công ty đang hoạt động tại Việt Nam của tập đoàn Navigos - đơn vị đang sở hữu mạng tuyển dụng lớn nhất Việt Nam (VietnamWorks), trong năm 2010, rất nhiều doanh nghiệp Việt có kế hoạch tăng ngân sách cho hoạt động nhân sự trong đó mức tăng kỷ lục được tiết lộ là 120%!
Diễn đàn Kinh tế Thế Giới về Đông Á vừa diễn ra tháng 6/2010 tại TPHCM cũng nhận định rằng, vấn đề quản trị nhân sự, tuyển dụng và đào tạo nhân sự tài năng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam và các nước trong khu vực tận dụng cơ hội bứt phá sau khủng hoảng.
Và đây cũng chính là lý do khiến Vietnam Report quyết định chọn vấn đề nhân sự làm chủ đề chính cho hội nghị thường niên VNR500 Summit 2010 diễn ra vào 10/8 tới đây tại Hà Nội.
Giải pháp đối với bài toán nhân sự trên thực tế không hề đơn giản, điều này càng đặc biệt khó khăn đối với các khối hành chính, doanh nghiệp nhà nước bởi phải chịu những ràng buộc từ các cơ quan quản lý Nhà nước.
Nhưng theo ông Vũ Đăng Vinh - CEO Vietnam Report, mặc dù có những khác biệt trong phương thức quản lý đối với vấn đề nhân sự giữa các doanh nghiệp nhà nước so với các loại hình doanh nghiệp khác hiện nay, song các doanh nghiệp nhà nước cũng chịu sự tác động và chi phối của các quy luật kinh tế và thị trường. Do vậy, cũng cần có những “phương thuốc” đặc trị giống như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
Đối với các doanh nghiệp nhà nước lớn, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế, với số lượng lao động có thể nói là “khổng lồ”, một chiến lược nhân sự hiệu quả, hợp lý là rất quan trọng.
Một ví dụ điển hình ở Viettel, doanh nghiệp quân đội nằm trong bảng xếp hạng VNR500, đã có những bước đi mạnh dạn trong việc tái cấu trúc doanh nghiệp, sắp xếp bộ máy nhân sự hoạt động theo mô hình tập đoàn trong năm 2009 với hơn 50% giám đốc, phó giám đốc chi nhánh của Viettel nằm trong độ tuổi trẻ dưới 32 tuổi. Điều này minh chứng cho xu thế tất yếu của sự chủ động hội nhập của các doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Bởi vậy, theo đề xuất của ông Vinh, các doanh nghiệp nên phát triển riêng bộ phận quản lý nhân sự có “thực quyền” và có năng lực để có thể chủ động xây dựng và áp dụng linh hoạt chiến lược nhân sự tiên tiến vào thực tế doanh nghiệp. Đồng thời, cần tách bạch giữa vai trò và trách nhiệm của nhân sự đại diện sở hữu vốn của nhà nước với nhân sự chịu trách nhiệm quản trị trong doanh nghiệp.
Lan Hương