Nhân sự cao cấp - quân bài chủ chốt của doanh nghiệp

Nhân sự cao cấp đang trở thành một trong những yếu tố sống còn đối với sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Nhưng có một thực tế là các doanh nghiệp vẫn thường “kêu cứu” vì tình trạng thiếu hụt nhân sự cao cấp.

Vậy nhân sự cao cấp là gì? Những ai được gọi là nhân sự cao cấp và họ cần có những phẩm chất gì.

 

Nhân sự cao cấp - số ít quan trọng

 

Trong một doanh nghiệp, người ta thường chia ra một cách tương đối như sau: staff (nhân viên), manager (quản lý), leader - director (lãnh đạo). Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi đề cập đối tượng nhân sự cao cấp từ cấp manager trở lên, tức là từ trưởng phòng đến giám đốc marketting, giám đốc điều hành (CEO), giám đốc kinh doanh... ở các công ty, tổng công ty hoặc một tập đoàn lớn.

 

Nói đến nhân sự cao cấp là nói đến số ít người, chiếm phần trăm khá nhỏ nhưng lại có khả năng đem lại lợi nhuận và hiệu quả sản xuất, kinh doanh lớn cho doanh nghiệp. Họ là những người có trình độ thực hiện những công việc khó mang tính chiến lược, là những bộ óc luôn đề xuất ra những ý tưởng mới đóng góp vào toàn bộ hoạt động và sự vận hành của doanh nghiệp, đồng thời là người có kỹ năng quản lý.

 

Các tiêu chuẩn để xác định nhân sự cao cấp

 

Nắm giữ những vị trí cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả của toàn bộ doanh nghiệp, nên họ là những người có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển, thậm chí đến sự “sống còn” của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập, những “key person” như vậy được coi như vật báu, nắm định hướng chiến lược và vạch ra tầm nhìn để chèo lái con tàu doanh nghiệp trụ vững và vượt qua sóng gió thương trường. Họ trước hết là những người tài, người quản lý, lãnh đạo.

 

Vậy đâu là những tiêu chuẩn để xác định họ với tư cách là một nhân sự cao cấp?

 

Sẽ là rất khó nếu như chúng ta cố tìm ra một tiêu chuẩn áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp ở các ngành nghề khác nhau. Lại càng khó hơn nếu như cố tìm ra chân dung hoàn hảo của một nhân sự cao cấp bởi các doanh nghiệp ở quy mô, phạm vi khác nhau, cũng có những tiêu chí cao - thấp khác nhau.

 

Ông Nguyễn Thanh Nam - Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán Độc lập Quốc gia - cho rằng: “Mọi người cứ nói giáo dục nước ta thừa thầy thiếu thợ tức là cứ tốt nghiệp đại học thì là “thầy”. Điều này không hẳn đúng. Thiếu là thiếu những người công nhân lành nghề. Có những người học đại học, có tài có khi chỉ làm nhân viên, thậm chí làm nhân viên cả đời”.

 

Nói vậy để thấy rằng, người tài không hẳn lúc nào cũng được xếp vào nhân sự cao cấp, dù nhân sự cao cấp thường là những người có tài năng và trình độ. Điều này cũng giống như việc ông Phan Minh Tuấn - Đồng Giám đốc Dragon Capital - phân biệt Giám đốc tài chính và kế toán trưởng. Kế toán trưởng là người ghi sổ và người thực hiện các công việc ngắn của công ty. Trong khi đó, Giám đốc Tài chính là người phải lường trước được nhu cầu vốn của công ty sau đó huy động luồng tiền mặt và sử dụng số tiền huy động được một cách hiệu quả nhất.

 

Theo ông Tuấn: “Nhân sự cao cấp cần phải là những người chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, trình độ quản trị doanh nghiệp và các kỹ năng xử lý các tình huống, tình thế cần giải quyết. Ngoài ra, mức độ chuyên nghiệp còn được đánh giá bởi thái độ làm việc, sự đam mê và dám đối đầu với thách thức mà công việc mang lại”.

 

Trên thực tế, nhân sự cao cấp là những người ra quyết định tương đối nhiều, có thể nói là hàng ngày. Do đó, người làm nghề điều hành không chỉ cần có trình độ cơ bản vững mà phải là những người dám ra quyết định, biết ra quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Về mặt ứng xử, nhân sự cao cấp “phải là người biết đối nội, đối ngoại, biết nhìn trước nhìn sau, nhìn trên nhìn dưới, nhìn phải nhìn trái”.

 

Về phần mình, bà Mã Kim - Phó Giám đốc công ty tư vấn nhân sự Nhân Việt - cho hay ngoài kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, am hiểu môi trường văn hóa xã hội Việt Nam, tiêu chuẩn quan trọng nhất của một nhân sự cao cấp là phải có những kỹ năng mềm trong lãnh đạo như “kỹ năng ra quyết định và giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp và đàm phán, có óc phân tích và tầm nhìn chiến lược, đào tạo nhân viên thuộc quyền, ngoại ngữ lưu loát”. Bà Kim cũng lưu ý muốn đánh giá một nhân sự cao cấp, cần tính đến mức độ và thời gian hoàn thành mục tiêu công việc, cũng như các thành tích đạt được của nhân sự ấy.

 

Với tư cách Giám đốc Trung tâm tiếng Anh Oxford English UK Vietnam, ông Craig Soffer lại đưa ra tiêu chuẩn khác. Theo ông, khi tuyển dụng, để đánh giá khả năng nguồn nhân lực cao cấp cần dựa vào các yếu tố sau: Thứ nhất là kinh nghiệm làm việc (đã từng có kinh nghiệm làm việc trước đó hay không? Nếu có, người quản lý cũ đánh giá họ thế nào). Thứ hai là trình độ học vấn (học tại Việt Nam hay nước ngoài? Bằng cấp gì? Bằng cấp đó có phù hợp với vị trí dự tuyển hay không?). Thứ ba, nếu vị trí dự tuyển yêu cầu có trình độ tiếng Anh thì họ có trình độ nào và thứ tư là đánh giá qua phỏng vấn xem họ có kỹ năng trả lời câu hỏi không.

 

Rõ ràng là tùy theo từng doanh nghiệp, từng vị trí tuyển dụng sẽ có những yêu cầu khác nhau. TS Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, từng nói: “Người giỏi cũng giống như vợ đẹp - ai mà chẳng muốn! Tuy nhiên, muốn chọn vợ đẹp thì cũng phải biết mình hấp dẫn đến đâu, và quyền được lựa chọn cũng đâu phải là nhiều”. Do vậy, để tìm được nhân sự cao cấp vừa ý, chắc chắn không hề đơn giản.

 

Theo VietNamNet