Nhà tuyển dụng nên tìm kiếm những nhân viên có 4 kỹ năng mềm này

Tommy Mello là chủ sở hữu của Hãng A1 Garage Door Repair với doanh thu 10 triệu USD mỗi năm. Từ trải nghiệm cá nhân, ông chia sẻ những kỹ năng cần có ở một nhân viên xuất sắc

Nhà tuyển dụng nên tìm kiếm những nhân viên có 4 kỹ năng mềm này - 1

Trong một lần, máy điều hoà của tôi bị hỏng và tôi đã phải thuê một nhân viên kỹ thuật đến tận nhà sửa chữa. Bây giờ nó đã hoạt động rất tốt những tôi không nghĩ sẽ gọi anh ta một lần nào nữa. Vì sao? Vì anh ta có kiến thức chuyên ngành để sửa chiếc điều hoà, nhưng liên tục khiến tôi không hài lòng trong suốt quá trình trò chuyện.

Có một số thứ mà mọi nhân viên phải ghi nhớ: Kỹ năng chuyên môn là rất quan trọng, nhưng đó chỉ là một phần. Điều làm cho bạn trở nên khác biệt với số đông còn lại chính là kỹ năng mềm.

Theo kinh nghiệm của tôi, đây là một trong số kỹ năng mềm quan trọng nhất mà mọi nhân viên cần có. Đồng thời, bạn cũng có cách để đánh giá chúng ngay trong buổi phỏng vấn tuyển dụng.

1. Kỹ năng giao tiếp

Nếu nói về kỹ năng được chúng tôi đánh giá cao nhất thì đó là giao tiếp. Chúng tôi xem khách hàng là sinh mệnh, vì vậy những người có thể hoàn thành một cuộc thương lượng bán hàng qua điện thoại xứng đáng được gọi là những bậc thầy.

Không chỉ có lãnh đạo mới cần kỹ năng giao tiếp mà mọi nhân viên đều phải đạt được một chuẩn mực tương đương. Julie Sweer, CEO của Accenture Nam Mỹ, đã nhấn mạnh điều này trong một bài phỏng vấn với CNBC: "Mọi người dường như đang đánh giá thấp tầm quan trọng của việc cải thiện khả năng giao tiếp trong con đường phát triển sự nghiệp của mình".

Khả năng giao tiếp còn là khả năng hiểu người khác nói gì và thể hiện được điều đó khi trò chuyện với họ. Làm sao để bạn đánh giá được điều đó trong buổi phỏng vấn?

Hãy hỏi ý kiến họ về bài thông báo tuyển dụng. Bạn sẽ ngạc nhiên về số lượng người hỏi lại những vấn đề đã được trả lời trong bài đăng, hay thậm chí có người còn nói về những thứ chẳng hề liên quan đến nó.

Một người giỏi giao tiếp sẽ tóm tắt lại những gì đã được viết, và thậm chí còn chứng minh rằng họ là sự lựa chọn tốt nhất cho công việc. Với phép thử đơn giản này, bạn sẽ nhận định được về lâu dài có thể giao tiếp hoà hợp với nhau được hay không.

2. Tinh thần cạnh tranh

Khi tuyển dụng, tôi thường tìm kiếm tinh thần cạnh tranh ở các ứng viên. Tôi không nói về những kẻ ngạo mạn và ngang ngược, tôi đang nói về những người có đủ kỹ năng cần thiết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi thời điểm. Điều này có liên quan mật thiết đến sự tận tâm, tính cách quan trọng nhất đối với hiệu quả hoàn thành công việc.

Những người thích cạnh tranh sẽ nói về những thứ họ làm tốt nhất, đi theo đó và thậm chí còn vượt qua những gì họ đã nói trước đó nữa. Nếu mắc sai lầm, họ sẽ cố gắng không mắc lại sai lầm đó. Cách nhận diện một ứng viên như vậy trong buổi phỏng vấn là họ nỗ lực để giành lấy công việc, chứng minh được khả năng của họ nhiều hơn yêu cầu công việc nhà tuyển dụng đưa ra.

Họ cần cho tôi thấy họ đã thực hiện vài nghiên cứu, hoặc họ đã từng sử dụng sản phẩm và dịch vụ của công ty, hoặc là bất cứ thứ gì có thể làm họ khác biệt với số đông còn lại.

3. Tinh thần đồng đội

Có một điều tôi nhận ra qua nhiều năm đó là những nhân viên ưu tú nhất không giống như những ngôi sao khó với tới, trái lại, họ thường là những đồng đội tuyệt vời.

Ở công ty tôi, điều đó có nghĩa là họ lắng nghe những thành viên khác và hướng đến chung một mục tiêu kinh doanh. Google đã từng thực hiện một cuộc nghiên cứu lớn trong hàng trăm đội nhóm và rút ra kết luận: “Trong những nhóm xuất sắc nhất, các thành viên đều lắng nghe, tôn trọng, và thông cảm lẫn nhau”.

Trong buổi phỏng vấn, hãy quan sát số lần phản hồi của các ứng viên với ý kiến của bạn, bằng cả lời nói và ngôn ngữ cơ thể. Họ càng hoà hợp với những gì bạn nói thì đó càng là một dấu hiệu tốt.

Chỉ cần đơn giản xem họ có nhường chỗ cho bạn cùng tham gia vào cuộc trò chuyện hay chỉ chăm chăm vào màn độc thoại của mình. Còn nữa, hãy kiểm tra cả khả năng nghe hiểu. Bạn chỉ cần đơn giản đề cập đến thứ gì đó vào đầu buổi phỏng vấn và hỏi lại khi kết thúc để xem họ có thật sự lắng nghe hay không.

4. Khả năng giải quyết vấn đề

Bạn cần những nhân viên có khả năng chủ động đề xuất giải pháp cho những vấn đề. Đó là dấu hiệu của một nhân viên sẽ trở thành một lãnh đạo giỏi trong tương lai và là thứ mà doanh nghiệp cần để trụ vững.

Kỹ năng này không chỉ giúp hoạch định các vấn đề mang tính vĩ mô, mà còn giúp giải quyết những vấn đề cụ thể, như chăm sóc khách hàng.

Trong thực tế, Bill Gates đã từng đóng vai một nhân viên hỗ trợ khách hàng tại Microsoft với tên William. Sau khi được giải quyết ổn thoả một vấn đề qua điện thoại, vị khách này gọi lại với một câu hỏi khác và yêu cầu được tiếp tục gặp William để trình bày.

Để kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên, hãy đưa ra một tình huống, yêu cầu họ đưa ra hướng giải quyết và trình bày lý do. Câu hỏi ưa thích của tôi là: “Quyết định kinh doanh khó khăn nhất của bạn là gì và tại sao?”. Cách họ giải thích sẽ tiết lộ rất nhiều về cách xử lý vấn đề của họ

Tương tự với câu chuyện của Bill Gates, hãy thử cho những ứng viên giải quyết một vấn đề với khách hàng qua điện thoại để đánh giá khả năng của họ.

Tóm lại, bạn có thể tìm thấy hàng nghìn kỹ năng mềm, nhưng hãy nhớ rằng, chỉ một vài thứ có thể giúp ích cho việc phát triển doanh nghiệp. Phỏng vấn và lựa chọn ứng viên dựa trên kỹ năng mềm, nhưng hãy đảm bảo bạn sẽ kiểm tra chúng thường xuyên ngay cả khi họ đã trở thành nhân viên chính thức.

Theo Doanh nhân Sài gòn/Forbes