Nha Trang: Khó quản lý lao động nước ngoài

Tình trạng người nước ngoài vào làm việc, tham gia góp vốn đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng diễn biến phức tạp tại Khánh Hòa. Lợi dụng kẽ hở của luật, nhiều lao động nước ngoài xin giấy phép lao động bằng cách góp vốn vào doanh nghiệp, thay vì xin giấy phép lao động (cấp mới hay cấp lại) phải đóng một khoản phí lớn.

Dễ dàng có giấy phép lao động

Theo thống kê của Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa, năm 2015, toàn tỉnh chỉ có 26 lao động người nước ngoài xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì năm 2016 tăng lên 166 người và từ đầu năm 2017 đến nay là 144 người.

Những lao động người nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động là người Nga, Ukraina, Ấn Độ, Trung Quốc. Đa số những người này làm việc ở các lĩnh vực như nhà hàng, khách sạn, lữ hành, du lịch, cửa hàng buôn bán sản phẩm, đầu bế, dạy ngoại ngữ.


Người nước ngoài bán nông sản khô tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật, TP.Nha Trang. Ảnh: P.V

Người nước ngoài bán nông sản khô tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Thiện Thuật, TP.Nha Trang. Ảnh: P.V

Đối với lao động người nước ngoài muốn làm việc tại VN phải được cơ quan chức năng cấp giấy phép một trong ba loại, đó là cấp mới, cấp lại và không thuộc diện cấp giấy phép lao động (tức phải là thành viên góp vốn của doanh nghiệp).

Đối với loại cấp mới và cấp lại thì thủ tục phải theo đúng trình tự thẩm định, phức tạp và tốn mức chi phí 30 triệu đồng cho một giấy phép. Còn đối với loại không thuộc diện cấp phép lao động thì thủ tục lại khá đơn giản, chỉ cần có hộ chiếu và giấy chứng nhận thành viên tham gia góp vốn là đã đủ điều kiện, không phải làm thủ tục xin cấp giấy phép lao động.

Trong khi đó, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp không quy định mức góp vốn nên nhiều người nước ngoài đã tham gia góp vốn vào doanh nghiệp chỉ từ 1 triệu đồng trở lên. Lợi dụng sự “thông thoáng” này của luật, nên đa phần các lao động xin được cấp giấy phép lao động theo dạng này.

Mới đây, qua kiểm tra, Sở LĐTBXH phát hiện tại Cty TNHH Shree Yashoda Investments (phường Lộc Thọ, TP.Nha Trang) có 3 người Ấn Độ đang làm việc. Tuy vậy, 3 người này đều là thành viên góp vốn của Cty với mức góp chỉ vài triệu đồng/người.

Kiến nghị sửa luật

Theo Sở LĐTBXH, UBND tỉnh Khánh Hòa cần kiến nghị Trung ương sớm điều chỉnh Luật Đầu tư và Luật doanh nghiệp theo hướng quy định cụ thể thời gian cho từng mức góp vốn. Ví dụ như người nước ngoài góp vốn 10 triệu đồng thì nên quy định có thời hạn là 6 tháng. Riêng các trường hợp người nước ngoài đi du lịch, rồi ở lại làm việc, cần kiên quyết không cấp giấy chứng nhận góp vốn.

Trước mắt, Sở LĐTBXH đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác kiểm tra và quản lý lao động người nước ngoài đang cư trú và làm việc tại địa phương. Trên cơ sở danh sách do Sở LĐTBXH cung cấp, UBND các huyện, thị xã, thành phố đối chiếu, rà soát số lượng người nước ngoài đang cư trú và làm việc tại địa phương về việc thực hiện đúng các quy định về quản lý người nước ngoài trên địa bàn tỉnh.

Nếu phát hiện người nước ngoài cư trú tại địa phương đang làm việc nhưng chưa được cấp giấy phép lao động hoặc chưa được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động thì phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm.

Liên quan đến thực trạng này, UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thẩm định chặt chẽ hồ sơ của các doanh nghiệp có người nước ngoài tham gia góp vốn; tăng cường công tác hậu kiểm giữa các cơ quan liên ngành sau khi cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp có người lao động nước ngoài tham gia góp vốn; thường xuyên thanh, kiểm tra các doanh nghiệp đang sử dụng lao động người nước ngoài.

Theo Báo Lao động