Nhà Nhân ái: "Điểm tựa" bình yên cho hàng trăm nạn nhân bị mua bán

Phan Minh

(Dân trí) - Từ khi thành lập tới nay, Nhà Nhân Ái (Lào Cai) đã tiếp nhận, chăm sóc và hỗ trợ 248 nạn nhân bị mua bán trở về, bao gồm cả nạn nhân trong và ngoài tỉnh.

Điểm tựa bình yên

Theo ông Nguyễn Tường Long, Trưởng BQL tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tỉnh Lào Cai (UBND tỉnh Lào Cai), mô hình Nhà Nhân Ái được thành lập từ năm 2011 với nhiệm vụ tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, bao gồm cả nạn nhân trong và ngoài tỉnh. Tới nay đã có 248 nạn nhân được các cán bộ của Nhà Nhân ái tiếp đón, chăm sóc và hỗ trợ.

Nhà Nhân ái: Điểm tựa bình yên cho hàng trăm nạn nhân bị mua bán - 1

Tuyên truyền phòng chống tình trạng mua bán người.

Tính riêng năm 2020, do tình hình dịch Covid-19, Nhà Nhân ái mới tiếp nhận mới 15 học viên (100% dân tộc thiểu số), trong số các nạn nhân được tiếp nhận có 54 trẻ em, 30 em đang học phổ thông, 20 em đã từng bỏ học, 10 em khó khăn trong giao tiếp không biết tiếng Kinh.

Tại Nhà Nhân ái, các nạn nhân được nhân viên tại Nhà Nhân ái tư vấn ổn định về tâm lý, chế độ hỗ trợ tâm lý cho nạn nhân gồm tư vấn, tham vấn tâm lý cho nạn nhân và thực hiện các liệu pháp trị liệu cá nhân, nhóm.

Các nạn nhân còn được cung cấp thức ăn, bố trí chỗ ngủ an toàn, trang bị tư trang quần áo, tổ chức kết nối với các bệnh viện tỉnh để khám chữa bệnh cho 100% các nạn nhân, nhất là sự chăm sóc sức khỏe sinh sản cho nạn nhân nữ, kịp thời tư vấn về HIV/AIDS và hỗ trợ mua bảo hiểm y tế.

Chia sẻ kinh nghiệm về công tác phòng chống mua bán người

Đặc biệt, hoạt động tư vấn về học nghề và việc làm được đẩy mạnh. Theo đó, các nạn nhân được tự nguyện lựa chọn học nghề hoặc học phổ thông. Nhiều em học hết phổ thông và thi vào các trường chuyên nghiệp của tỉnh hoặc học cao hơn. Cụ thể: Có 2 em học đại học, 1 em học cao đẳng, 12 em học trung cấp, 17 em học xong văn hóa, 35 em học nghề.

Chuyển tuyến an toàn

Trong thời gian ở Nhà Nhân ái các nạn nhân được về thăm thân thường xuyên, thường là 3 tháng về 1 lần hoặc khi gia đình có việc gấp, mọi chi phí đi lại các em đều được Nhà Nhân ái hỗ trợ.

Bên cạnh đó, cán bộ Ban quản lý thường xuyên phối hợp với công an địa phương ngoài tỉnh, các gia đình nạn nhân các tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường nơi nạn nhân sinh sống để tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân có nguyện vọng trở về.

Nhà Nhân ái: Điểm tựa bình yên cho hàng trăm nạn nhân bị mua bán - 2

Các nạn nhân được học nghề miễn phí tại Nhà Nhân ái

Trường hợp nạn nhân có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh được xem xét tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Điều kiện, thời hạn và mức vốn cho vay thực hiện theo quy định hiện hành đối với các dự án vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 121 người với mức hỗ trợ từ 1.000.000 - 4.000.000 đồng/người.

Việc hỗ trợ vốn trồng trọt, chăn nuôi đã kịp thời giúp nạn nhân giải quyết được khó khăn ban đầu và đang góp phần nâng cao mức sống của nạn nhân. Hỗ trợ phục hồi, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, chuẩn bị các điều kiện để nạn nhân hòa nhập cộng đồng.

Các nạn nhân trước khi trở về bàn giao cho gia đình, đều có sự kết nối thông tin bằng văn bản cho các địa phương nơi cư trú (Phòng LĐ-TB&XH các huyện, UBND xã phường nơi nạn nhân cư trú). Chương trình trao sổ tiết kiệm tạo vốn cho các em đã được hưởng ứng có hiệu quả.

Đã có trên 20 em lập sổ tiết kiệm tại ngân hàng, đặc biệt có em đã tiết kiệm được 6 triệu đồng từ lao động của chính bản thân, đã được Nhà Nhân ái hỗ trợ thêm 6 triệu đồng nữa là 12 triệu đồng để các em tự mở cửa hàng may tại Lào Cai, ổn định cuộc sống.

Đề xuất, kiến nghị

Theo Ban quản lý tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tỉnh Lào Cai, để công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân sau mua bán có hiệu quả hơn, các cơ quan chức năng cần chú trọng hơn về các công việc sau:

Có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho các nạn nhân khi bị mua bán trở về; bởi hầu hết các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, nhu cầu khám chữa bệnh luôn đặt hàng đầu.                                                      

Cần có dự án cụ thể giải quyết việc trẻ em lang thang, bán hàng rong, đeo bám khách các khu du lịch cộng đồng. Phòng chống lao động sớm trong nhóm trẻ em là đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần tập trung đầu tư cho việc tổ chức các buổi truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao, trong các điểm trường học, bằng chính những câu chuyện kể trực tiếp của người trong cuộc.

Giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền, Hội phụ nữ cấp xã, tận thôn bản về việc ngăn chặn tảo hôn, kéo vợ theo tập tục cũ, đưa vào tiêu chí xây dựng nông thôn mới.