Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội

(Dân trí) - Theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, tới năm 2032 Quỹ BHXH sẽ thu không đủ chi. Sự an toàn của Quỹ BHXH có ảnh hưởng lớn tới vấn đề an sinh xã hội, nên nhiều người đặt câu hỏi liệu quỹ có tránh được nguy cơ vỡ?

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTBXH), cứ với mức hưởng và mức đóng của người lao động và chủ sử dụng lao động như hiện nay mà không có những thay đổi cụ thể về chính sách, Quỹ BHXH sẽ thu không đủ chi vào năm 2031. Nhất là khi có thể xu hướng già hoá dân số sẽ xảy ra ở nước ta trong những năm tới, đặt gánh nặng lên phần trả lương hưu thuộc Quỹ BHXH.

 

Còn theo bà Tuệ Anh, Tư vấn Dự án Hỗ trợ xây dựng Luật BHXH, trong thời gian qua tốc độ tăng thu của Quỹ BHXH vẫn thấp hơn tốc độ tăng chi. Điều này thể hiện ở tốc độ tăng số lượng người tham gia BHXH và số tiền sinh lời từ Quỹ BHXH. 

 

Cũng theo bà Tuệ Anh, hiện nay số thặng dư của Quỹ BHXH là khá cao nhưng trong thực tế số tiền này chưa được sử dụng tối đa cho mục đích sinh lời. Cụ thể hiện này Quỹ BHXH không trực tiếp tham gia đầu tư để sinh lời mà hầu như cho các ngân hàng thương mại vay. Sau đó các ngân hàng thương mại cho dân vay lại để “ăn” phần lãi suất chênh lệch. Rõ ràng với cách đầu tư như vậy, tiền sinh lời từ Quỹ BHXH rất thấp trong khi tiềm năng sinh lời từ Quỹ này cao hơn nhiều.

 

Bên cạnh đó, tốc độ thu của Quỹ BHXH lại tăng chậm mặc dù trong thời gian qua, khi Bộ luật lao động sửa đổi bổ sung năm 2002 có hiệu lực thi hành mở rộng quy định đối với người phải tham gia BHXH bắt buộc lên nhưng trong thực tế tỷ lệ người tham gia BHXH bắt buộc vẫn tăng không đáng kể.

 

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp khai báo tiền lương trả cho người lao động để làm căn cứ đóng BHXH thấp hơn nhiều so với thực tế cũng làm giảm thu đối với Quỹ BHXH. Đó là chưa kể tới không ít doanh nghiệp không nộp đủ hoặc nợ BHXH.

 

Một vấn đề quan trọng khác có tác động không nhỏ tới Quỹ BHXH là việc cải cách tiền lương và điều chỉnh lương tối thiểu. Trước đây người lao động đóng BHXH theo mức lương tối thiểu thấp nhưng hiện nay khi lương tối thiểu đã tăng lên, mức lương hưu của người tham gia BHXH cũng tăng theo. Phần chênh lệch này đang làm cho Quỹ BHXH hụt đi nhanh chóng trong khi số tăng chi không những không giảm mà lại trong xu hướng gia tăng.

 

Bà Tuệ Anh khẳng định, để đảm bảo cho sự an nguy của Quỹ BHXH,  cần phân chia rõ các lộ trình cụ thể để trong từng thời kỳ có các đối sách cho phù hợp. Trước mắt, cần thực hiện ngay các giải pháp tăng tỷ lệ thu BHXH bằng cách tăng hiệu lực thực thi pháp luật. Số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tăng lên thông qua ý thức tuân thủ luật pháp của các doanh nghiệp có sử dụng lao động, nhất là đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

 

Bên cạnh đó, số năm bắt buộc đóng BHXH cần được tăng lên từ 15 năm như hiện nay lên 20 năm để được hưởng lương hưu theo tỷ lệ 45% hoặc 51% mức lương trước khi nghỉ hưu. Với thời gian đóng BHXH bắt buộc là 15 năm như hiện nay, thực tế có người chưa đầy 40 tuổi đã được nhận lương hưu theo tỷ lệ trên.

 

Về lâu dài các nhà hoạch định chính sách cũng cần xem xét tới một số giải pháp như tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên cao hơn so với hiện nay là 55 tuổi, tăng mức đóng và giảm mức hưởng của người lao động cho phù hợp thực tế. Với tỷ lệ hưởng lương hưu là 75% mức lương trước khi nghỉ hưu như hiện nay mặc dù không ít người lao động “kêu” không đủ sống nhưng với Quỹ BHXH lại là một gánh nặng. Nếu gánh nặng này không được san sẻ dần dần, nguy cơ vỡ Quỹ sẽ không còn xa.

 

Mai Minh