Người xuất khẩu lao động bỏ về hàng loạt

(Dân trí) - Sau 2 năm triển khai Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động đã có gần 4.500 lao động được xuất cảnh với nhiều chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã xuất hiên tình trạng lao động bỏ về giữa chừng.

Sau 2 năm thực hiện Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 của Chính Phủ, đã có gần 4500 lao động được xuất cảnh, trong đó lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số chiếm khoảng 97%. Có trên 30 doanh nghiệp tham gia với 70 hợp đồng tuyển chọn lao động (LĐ) cho các thị trường.

Địa phương được đánh giá là đưa được nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài theo diện ưu tiên là Thanh Hoá khoảng 950 người; tiếp đó là Quảng Ngãi 800 người, Quảng Nam: 380 người… Những thuận lợi khác mà người lao động được hưởng là tính đến hết ngày 30/8/2010, hơn 3000 lao động được vay vốn đi XKLĐ, chiếm 60% tổng số chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2010. Đáng nói là người lao động được ưu tiên vay với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân  hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi XKLĐ. Bộ LĐ-TB&XH cũng tạm ứng 70% số tiền hỗ trợ cho người lao động huyện nghèo để học nghề, ngoại ngữ, và bồi dưỡng kiến thức cần thiết thông qua các doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề, tổng số tiền trên 25 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia XKLĐ lại cho rằng vẫn còn rất nhiều khó khăn, bất cập khi thực hiện đề án. Điều dễ nhận thấy nhất là do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu trong 2 năm trước nên số lượng hợp đồng khai thác chưa nhiều, số hợp đồng tốt, phù hợp với lao động huyện nghèo còn hạn chế. Mặc dù số lao động đăng ký đi XKLĐ là 8500 người nhưng số được đi làm việc thực tế chỉ có 4500 người. Để xảy ra điều này là do số lao động bỏ về ngay trong khóa đào tạo tại Việt Nam khá cao, chiếm 30-35%. Có những trường hợp cá biệt chiếm tỷ lệ bỏ về từ 60-70% như Đakrông - Quảng trị, Tân Sơn thuộc Phú Thọ, Mường Nhé thuộc Điện Biên. Người lao động lý giải cho sự bỏ về giữa chừng là nhớ nhà, ý thức kỷ luật kém...

P. Thanh