1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Người Việt đi làm việc ở nước ngoài gửi về 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan nêu con số ấn tượng để khẳng định, lực lượng người lao động Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Con số 4 tỷ USD kiều hối chuyển về Việt Nam mỗi năm được nêu tại hội thảo "Nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước" do báo Người lao động tổ chức ngày 27/12.

Người Việt đi làm việc ở nước ngoài gửi về 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm - 1

Hội thảo nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động diễn ra tại TPHCM ngày 27/12 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho hay, hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài là một hướng giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước.

Từ năm 2010 đến nay, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn là hơn 1,4 triệu người. Có 0,05% doanh nghiệp hoạt động dịch vụ của cả nước làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các doanh nghiệp đã hoạt động tích cực, hiệu quả, góp phần đưa khoảng 120.000 đến 143.000 lao động ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Lực lượng lao động này mỗi năm gửi về nước khoảng 3,5 - 4 tỷ USD kiều hối.

Người Việt đi làm việc ở nước ngoài gửi về 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm - 2

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Bá Hoan phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Nguyễn Vy).

"Để có được thành quả như trên, ngoài nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, thì vai trò của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đóng vai trò vô cùng quan trọng. Người lao động không chỉ thoát nghèo, mà còn có khả năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thân đầu tư sản xuất, kinh doanh", Thứ trưởng nói.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiện còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, một trở ngại đáng chú ý là nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa đầy đủ. Chi phí đi làm việc ở nước ngoài cao. Tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái phép, vi phạm pháp luật của nước sở tại, bỏ hợp đồng, hoặc khi hết hạn hợp đồng không về nước chậm được khắc phục,…

Tại hội thảo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phân tích thêm, theo Bộ luật Lao động Việt Nam, mục đích đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ để giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn hướng tới việc nâng cao chất lượng, kỹ năng, hiệu quả làm việc cho người lao động từ việc học hỏi ở nước ngoài, trở về đóng góp cho đất nước. 

Vì vậy, cơ quan xây dựng chính sách đang hướng đến mục tiêu tạo điều kiện, giảm chi phí cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trao đổi với ILO (Tổ chức lao động quốc tế) để cùng phối hợp, hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài an toàn, hợp pháp và hiệu quả.

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM, nhận định ngoài việc tạo cơ hội cho lao động Việt ra nước ngoài làm việc, cần phải quan tâm công tác giải quyết việc làm cho lao động hết hạn hợp đồng, trở về nước.

Người Việt đi làm việc ở nước ngoài gửi về 4 tỷ USD kiều hối mỗi năm - 3

Ông Phạm Anh Thắng, Phó Chánh Văn phòng, Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH tại TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngoài ra, ông Thắng nêu vấn đề, cần có góc nhìn, tiếp cận khác về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm giảm chi phí cho người lao động.

"Trước đây, người lao động tìm đến doanh nghiệp nhưng nay, doanh nghiệp phải đi tìm lao động. Vì vậy, cơ quan quản lý phải nghiên cứu chính sách, cách thu phí từ dịch vụ lao động chứ không phải thu từ người lao động", ông Thắng nói.

Đồng thời, Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, công tác liên kết đào tạo nghề hiện chưa đạt. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa thống nhất;…

Đúc kết các giải pháp để tối ưu hóa hoạt động đưa người Việt ra nước ngoài làm việc, bà Trần Thị Thanh Lam, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đề xuất tạo sự cạnh tranh, nâng cao chất lượng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc nước ngoài, tạo thương hiệu, văn hóa Việt Nam.

Ở góc độ quản lý, các cơ quan quản lý phối hợp với nhau để quản lý, tổ chức, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động đi nước ngoài làm việc.

Tại hội thảo, báo Người lao động cũng đã phát động cuộc thi viết mang tên "Nâng bước người lao động" năm 2024. 

Đây sẽ là một sân chơi cho bạn đọc, bạn viết trong và ngoài nước, thông qua diễn đàn báo chí chia sẻ những câu chuyện hay trong cuộc sống, những điển hình giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh để vươn tới thành công, những tấm gương người tốt - việc tốt.

Phạm vi nội dung dự thi là về lĩnh vực lao động - việc làm nói chung và lĩnh vực xuất khẩu lao động nói riêng.