Người quyết định vận mệnh 300 hành khách trong 1 giây

Bốn lần sinh mổ của chị Võ Thị Hồng ở P.4, Tân Bình, TPHCM đều vắng mặt chồng bởi chồng chị là phi công. Nhìn những cơn đau vượt cạn của chị trước khi lên bàn sinh, có người hỏi chồng chị đâu, chị chỉ còn biết ngó lên trời, vì ảnh đang ở trển.

"Vàng" sống

Anh Nam Liên - kiểm tra viên của Cục Hàng không dân dụng (TRE) trưởng phòng huấn luyện đoàn bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - khẳng định rằng, số lượng "vàng" của cơ quan chủ quản bỏ ra đào tạo một phi công, còn nặng hơn cả trọng lượng anh ta. Lương cứng trung bình của một phi công đường dài 6-10 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy cũng không "dễ ăn" chút nào. Bác sĩ, kỹ sư có mảnh bằng tốt nghiệp là có thể hành nghề kiếm cơm tới chết. Phi công thì không. Hằng năm họ phải học ôn và thi lại 6 nội dung cơ bản. Nếu trượt một trong sáu môn đó họ chỉ được quyền thi lại lần thứ hai thôi. Không qua, họ sẽ bị đình chỉ bay. Bằng lái của họ chỉ có thời hạn trong 5 năm. Vào tuổi 40, họ sẽ được khám tuyển sức khoè định kỳ 1 lần/năm, trên 40 tuổi là 2 lần/năm. Ai không đủ tiêu chuẩn đều phải ở lại mặt đất. Theo luật Việt Nam, phi công về hưu ở tuổi 60.

Cũng theo anh Nam Liên, hàng năm Tổng công ty Hàng không Việt Nam tuyển vài ngàn thí sinh nhưng chỉ lấy được vài trăm. Ví dụ như năm 1980, Tổng cục Hàng không Việt Nam khám tuyển 15.000 thí sinh, loại hết 10.000 người, đến nay họ "rụng" thêm 350 phi công. Nghề này tuyển chọn thí sinh theo 5 tiêu chuẩn: sức khỏe, tâm lý, kiến thức, khả năng phản xạ và lý lịch.

Thời gian học trung bình của những học viên phi công Việt Nam khoảng ba năm. Hiện nay, ở phần học nâng cao (khoảng nửa năm) họ được đào tạo tại Úc và Pháp.

Khoảnh khắc sống chết

"Trời mưa như trút, sấm sét đánh loằng ngoằng, đó là những lúc chúng tôi rất căng thẳng vì phải điều khiển máy bay lách giữa những đám mây đen, để không bị nhiễm điện. Những lúc ấy có khi phải phá luật, lách sang không phận các nước bạn. Trong một giây, chúng tôi phải quyết định vận mạng 300 hành khách và khối tài sản từ 150-196 triệu USD. Hoặc có khi đang bay thì gặp gió xén, gió lật chiều - không phản xạ nhanh -giành lấy năng lượng máy bay, thì nó sẽ bị rơi tự do ngay như diều đứt dây vậy. Cụ thể hả? Tôi không nhớ nổi đâu. Cánh phi công đường dài chúng tôi thường không biết ngày tháng, chỉ biết ngày bay và ngày không bay", anh Nam Liên nói.

Anh Nam Liên và cơ trưởng Nguyễn Thái Trung, giám đốc Trung tâm Huấn luyện bay thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam đều xác nhận người phi công có cuộc sống khác thường.

"Đời phi công đường dài có nhiều ngăn kéo cuộc sống nhất. Họ phải chịu sự gián đoạn sống cực nhanh. Mỗi lần "thu càng" khỏi vùng địa lý này đồng nghĩa với việc đóng ngay ngăn kéo cuộc sống ở nơi đó lại. Và mình phải nhớ đến vùng địa lý sắp "hạ càng" tiếp nối: ở đó mình biết được những gì, quen những ai, còn nợ ai một lời hứa". Hiện anh Liên có khoảng 10 ngăn kéo cuộc sống "khắp địa cầu" như vậy. Nhật ký bay của anh đã sang 8.000 giờ (24 giờ bay tương đương với một vòng trái đất), 18 tuổi nghề, 45 tuổi đời.

Luật Hàng không quy định người phi công phải ngủ nghỉ đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên "tôi thường giật mình thức giấc giữa ban ngày, và không nhớ nổi phòng vệ sinh của khách sạn mình trọ nằm ở hướng nào", anh Nam Liên kể thêm. Còn anh Trung cho rằng khổ nhất là những đêm nghỉ ở nhà, anh không chợp mắt được bởi đồng hồ sinh học của anh đã bị xáo trộn.

Mặc dù anh đã có khoảng 10.000 giờ bay đường trung và dài, trong 27 năm tuổi nghề, 45 tuổi đời. Phi công càng có nhiều giờ bay thì vốn sống anh ta càng tăng vì tiếp xúc với nhiều người, đi nhiều vùng trên thế giới. Mặt khác, anh ta có "vẻ lạnh nhạt hơn và hay nhầm lẫn khi gặp người thân". Bởi họ "lỡ" tư duy quá nhanh. Bản thân anh Liên cũng có nhiều lúc giở khóc giở cười với vợ: "Anh sẽ chở em đi ăn lẩu Nhật và mua cho em bộ áo dài đẹp!"- “Ơ hay ! Em nào có thích mấy món đó. Hay là anh vừa ăn vụng với một "em" Phù Tang nào?”.

Do sống trái quy luật mà phải làm việc hết công suất nên sức khoẻ của họ bị "mài mòn tàn nhẫn". Anh Nam Liên giải thích thêm rằng do sống lâu trong môi trường sóng điện từ - ở buồng lái- nên hầu hết phi công đường dài đều sinh con gái và mắc nhiều bệnh.

Nữ phi công

Ở Trung tâm Huấn luyện bay số 117 Hồng Hà, Q.Tân Bình, TPHCM có 6 nữ học viên dự khoá phi công, tuổi đời từ 20- 24. Biết trước nghề mình đeo đuổi sẽ có nhiều thử thách, hy sinh nhưng bạn nào cũng đầy nhiệt huyết.

"Tôi thích học nghề này để chứng tỏ rằng chuyện gì nam giới làm được, thì nữ giới cũng làm được. Với lại nghề này có thu nhập cao", bạn Võ Thanh Hảo ở Q. Ba Đình, Hà Nội, học viên khoá 11 ở đây nói. Hay như bạn Nguyễn Thị Thu Hương, 20 tuổi, ở Q. Thanh Xuân, Hà Nội, học viên khoá 12 bày tỏ: "Biết tôi được tuyển vào học phi công cả nhà đều vui. Tuy nhiên ông tôi khuyên hãy suy nghĩ lại vì ông cũng từng là phi công chiến đấu nên biết sự cực khổ của nghề này. Nhưng đây là nghề tôi mê, tôi sẽ chấp nhận. Hạnh phúc nào cũng có giá của nó".

Ông Hoàng Văn Mạnh, phó giám đốc Trung tâm này cho biết chặng đường học tập của các bạn học viên nữ còn dài và gặp nhiều thử thách. Ông không dám chắc 6 học viên nữ này sẽ trở thành phi công trong 3 năm nữa. Hiện những bạn nữ này đang học chương trình nặng ngang với học viên nam.

Theo Sài Gòn Tiếp Thị