Người nghèo dần “quay lưng” với xuất khẩu lao động

“Nhiều lúc doanh nghiệp (DN) cũng nản lắm, bỏ bao nhiêu công lặn lội đi vùng sâu, vùng xa mà kết quả thu lại chẳng đáng là bao” - bà Ngọc Mai, thuộc Cty CP XNK Hải Dương, một DN đang thực hiện tư vấn xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các tỉnh Tây Nguyên và Tây Bắc bày tỏ.

Không ít DN tư vấn XKLĐ cũng đang nản bởi người nghèo vì nhiều lý do khác nhau, không còn mặn mà với việc làm thuê ở nước ngoài.
Xuất khẩu lao động không còn hấp dẫn người nghèo. Ảnh: internet.

Xuất khẩu lao động không còn hấp dẫn người nghèo. Ảnh: internet.

Đã nghèo lại mang thêm nợ
Đi Malaysia được ít ngày, anh Phạm Văn Thiết (dân tộc H’Re, thôn Nước Xuyên, xã Ba Vì, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) trở về nhà, nghèo chưa xóa được mà gánh khoản nợ 23,9 triệu vay ngân hàng nộp phí đi XKLĐ. Không chịu được cảnh nợ nần chồng chất, vợ anh bỏ đi. Chán cảnh nhà, đến giờ anh Thiết cũng bỏ đi khỏi địa phương không biết đi đâu.
Em trai anh là Phạm Văn Thâu cũng đi lao động ở Malaysia được 5 tháng phải xin về vì đồng lương không đủ trang trải chi phí, trong khi cường độ lao động lại quá cao. Giờ đây, sau 3 năm miệt mài sửa chữa xe máy và trồng keo, anh Thâu mới trả hết khoản vay gần 24 triệu chi phí cho chuyến đi.
Còn ông Phạm Văn Chảy ở cách nhà anh Thiết vài chục mét, mỗi chiều vẫn ra cửa ngóng tin con trai là Phạm Văn Tiến đi XKLĐ quá hạn rồi chưa về, cũng chẳng có tin tức, trong khi khoản vay ngân hàng 24,3 triệu đồng chi phí cho chuyến đi chưa trả được đồng nào, giờ cũng không biết lấy tiền đâu mà trả…
Ở 6 huyện nghèo “30a” của Quảng Ngãi, giờ có hàng trăm trường hợp đi XKLĐ không xóa được nghèo lại càng nghèo thêm như nói trên, chủ yếu là những người lao động (NLĐ) về nước trước thời hạn, cả tự nguyện xin về và tự ý về nước. Tình trạng này để lại nhiều tồn tại mà địa phương chưa biết giải quyết cách nào, như nợ vay ngân hàng, giải quyết việc làm…
XKLĐ không còn hấp dẫn người nghèo
Mặc dù Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực và ưu đãi chính sách nhưng sau 5 năm thực hiện, Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009- 2020” theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gọi tắt là Đề án 71, đã không đạt mục tiêu.
Người dân e ngại những rủi ro nên ngại đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa: Nguồn internet.
Người dân e ngại những rủi ro nên ngại đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh họa: Nguồn internet.

Thanh Hóa là tỉnh có số người ở 7 huyện nghèo đi XKLĐ “đáng kể” nhất so với các địa phương khác, chủ yếu ở các thị trường Hàn Quốc, Malaysia, Trung Đông, Đài Loan, Nhật Bản… Tuy nhiên, thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa cho thấy, NLĐ đang dần “quay lưng” với hướng thoát nghèo này. XKLĐ tại 7 huyện năm 2012 chỉ có 310 lao động và 9 tháng năm 2013 chỉ đưa được trên 60 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó các huyện Quan Hóa, Mường Lát, Quan Sơn không có trường hợp nào.
Số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đến nay chỉ có hơn 9.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân khiến NLĐ không đi XKLĐ: gia đình không lo đủ chi phí; NLĐ “đòi” phải được đi làm ở cùng một nơi, ở cùng một chỗ với nhau – mà điều đó thì không DN XKLĐ nào dám hứa…
Một số người lại e ngại những rủi ro có thể xảy ra khi đi làm việc ở nước ngoài đã không cho người thân tham gia các chương trình tư vấn. Hoặc NLĐ khi biết phải mất thời gian học nghề, học ngoại ngữ và phải xa nhà, trong khi gia đình đang được hưởng chính sách hộ nghèo nên đã từ chối không đi XKLĐ.
Theo Bích Đào/Báo Pháp Luật VN