Người lao động xoay trần trong “chảo lửa”
Những ngày qua, ở các tỉnh phía bắc và miền Trung trời nắng như đổ lửa. Đặc biệt tại Hà Nội, nắng nóng hầm hập từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Nhiệt độ ngoài trời có lúc lên đến 42 độ C. Những người phải mưu sinh, lao động ngoài trời, phụ huynh đưa con đi dự kỳ thi tốt nghiệp THPT... phải xoay trần trong “chảo lửa”. Không ít người đã phải nhập viện vì nắng nóng.
Công nhân trên công trường đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) làm việc dưới nắng nóng trên 40 độ. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Không chỉ người già và trẻ em chịu ảnh hưởng. Nắng nóng khốc liệt trong những ngày qua tác động mạnh nhất đến người lao động. Dù đang phải đẩy nhanh tiến độ, nhưng nhiều chủ thầu xây dựng các công trình xây dựng phía tây thành phố Hà Nội - khu Dương Nội, Hà Đông cũng không dám mạo hiểm với tính mạng của công nhân mình. Ông Nguyễn Văn Thảo - đội trưởng thi công của nhà thầu Vinaconex2 cho biết: Nắng nóng đã làm đảo lộn hết sự phân ca.
Theo công nhân Hồ Tùng Oanh (Tứ Kỳ, Hải Dương) những ngày đầu nhà thầu còn động viên tinh thần, nhưng khi thấy không thể chịu được nhiệt độ trên nền bêtông lên đến 45 độ C vào giờ trưa và đầu giờ chiều nên đã quyết định dãn ca. Với công việc bắt giàn giáo, anh Oanh bắt đầu công việc khá sớm và kết thúc muộn để tránh nóng, buổi sáng làm từ 5 giờ 30 và kết thúc vào lúc 10 giờ, buổi chiều từ 15h30 đến 19h.
Theo anh Oanh, chưa năm nào nắng nóng khủng khiếp như những ngày gần đây. Mặc dù được trang bị quần áo bảo hộ lao động dày dặn nhưng với mức nhiệt hơn 40 độ C từ lúc 9 giờ sáng thì làm việc ngoài trời là một cực hình. Dù áo dầy, mũ, khăn kín mít nhưng ai cũng cảm thấy bỏng rát da thịt, vô cùng khó chịu, cứ làm được khoảng 1 giờ lại phải tạm chui vào chỗ mát nghỉ ngơi.
Không may mắn như những tổ thợ trên, 12 giờ trưa, các công nhân của Xí nghiệp thoát nước HN đang cố gắng hoàn thành phần việc sửa chữa cống nước trên đường Phạm Văn Đồng còn đang dang dở. Lấy khăn lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt, anh Vũ Văn Sáng (công nhân tại Xí nghiệp thoát nước Hà Nội) cho biết“ tiếp xúc thường xuyên với mặt đường khiến chúng tôi bị mất sức rất nhiều. Sau mỗi giờ làm, ai nấy đều rã rời và dường như chẳng còn chút sức lực nào”.
Để chống nóng, bên cạnh sử dụng ô che nắng do công ty cấp, các công nhân khi làm việc phải sử dụng thêm các nón lá vành rộng, đầu đội khăn để tránh nóng trực tiếp vào đầu, thi thoảng còn phải nhúng khăn ướt đắp lên đầu, cho mát. Hiện chưa có con số thống kê chính xác, nhưng nắng nóng những ngày qua không chỉ làm đảo lộn công việc mà còn khiến nhiều công nhân bị cảm nắng phải nhập viện.
Bệnh viện quá tải bệnh nhân
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, mới gần 8h đường vào viện đã tắc. Khu khám bệnh đông kín người. Mặc dù bệnh viện đã bố trí những chiếc quạt công nghiệp công suất lớn ở các khu khám nhưng bước chân vào khu khám bệnh rất ngột ngạt. Các phòng khám “chạy” hết công suất để nhanh chóng khám cho trẻ.
Con đang nằm tại khoa Thận nội tiết, chị Thu Quế ở Hà Nội chia sẻ: Dù bệnh viện không phải nằm ghép nhưng phòng bệnh không có điều hòa, quạt trần chạy hết công suất nhưng như thốc hơi nóng vào người. Nhiều lúc con đau khóc mồ hôi cả mẹ cả con chảy ròng ròng. Đêm mà trời vẫn nóng, trẻ đau khó ngủ quấy khóc rất mệt mỏi.
TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong những ngày nắng nóng số lượng trẻ nhập viện vì sốt cao, co giật, viêm mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng cao. Mỗi ngày bệnh viện khám từ 2.500- 2.700 bệnh nhi và số trẻ nhập viện lên đến 200 trẻ. Sau mỗi đợt nắng nóng kết thúc lượng trẻ nhập viện sẽ còn tăng cao do hậu quả của nắng nóng.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Nguyễn Thành Nam - quyền Trưởng khoa Nhi cho biết, những ngày này, khoa nhi có hàng trăm trẻ đến khám và nhập viện, có thời gian cao điểm còn lên tới 150 trẻ. Tỉ lệ trẻ nhập viện tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai tăng từ 20 - 30% so với thời điểm trước nắng nóng. Trẻ chủ yếu mắc các bệnh về hô hấp, tiêu chảy.
Ngoài trẻ em thì số người đến khám và trị bệnh tại các bệnh viện cũng tăng đột biến trong những ngày qua.
Làm gì để chống chọi với nắng nóng?
Bác sĩ Lương Quốc Chính - khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng mọi người cần cẩn trọng khi ra trời nắng. Hạn chế đi ra ngoài trời nắng trong những ngày nắng nóng, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 10 - 16 giờ. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột mà cần phải có một khoảng thời gian để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài bằng cách tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời.
Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát, thấm mồ hôi. Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày. Đặc biệt cần uống tối thiếu 1,5 - 2 lít nước/ngày. Nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần…
Cũng theo bác sĩ Chính, khi gặp vấn đề sức khỏe do nắng nóng, tùy theo mức độ biểu hiện mà cần nhanh chóng áp dụng những biện pháp xử trí phù hợp. Mức độ nhẹ chuyển ngay nạn nhân vào chỗ mát, thoáng gió; nới lỏng quần áo hoặc cởi bỏ bớt quần áo bên ngoài của nạn nhân. Sau đó, lau cơ thể nạn nhân bằng khăn mát hoặc có thể dội nước mát vào cơ thể nạn nhân rồi lau khô.
Đặt khăn thấm nước mát hoặc nước đá tại các vị trí như vùng nách, vùng bẹn, hai bên cổ để giúp nhanh chóng giảm nhiệt độ cơ thể; nếu nạn nhân uống được nước, cho uống từng ngụm nhỏ nước mát. Tốt nhất là uống nước có bổ sung muối và khoáng chất như nước Oresol pha đúng liều lượng theo hướng dẫn sử dụng…
Mức độ nặng nếu nạn nhân có các biểu hiện ở mức độ nặng, cần gọi ngay cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Lưu ý trong quá trình vận chuyển thường xuyên chườm mát cho nạn nhân.
Nắng nóng tiếp tục đến 5.7. |