Người lao động nước ngoài bất bình, hai lãnh đạo Đài Loan từ chức
Quyền thị trưởng thành phố Cao Hùng của Đài Loan, ông Trần Kỳ Mại, đã nộp đơn xin từ chức để nhận trách nhiệm về vụ đánh nhau dẫn đến đốt nhà của người lao động Thái Lan vào ngày 21/8.
"Ông Trần Kỳ Mại đã noi gương bà Trần Cúc, chủ tịch Hội đồng các vấn đề lao động (CLA )", dư luận Đài Loan cho là như vậy. Khi nhân vật số hai của Đài Loan là ông Frank Hsieh đề nghị bà Trần ở lại, bà tuyên bố trong một cuộc họp báo sáng hôm qua là bà từ khước đề nghị đó vì thấy mình phải nhận trách nhiệm về vụ bạo động 21/8.
Một ngày trước đó, bảy nhóm đại diện cho người lao động nước ngoài ở Đài Loan đã đến CLA phản đối giùm cho những người Philippines đang lao động ở Công ty nhựa Formosa.
Theo các nhóm này, người Philippines làm việc tại một nhà máy bánh qui của Formosa ở Khu công nghiệp Mailiao ở Vân Lâm, nơi đang có 3.197 người lao động Thái và 1.802 người Philippines, đã bị giảm tiền lương một cách tùy tiện, phải sống ở những nơi tối tăm, bẩn thỉu và ăn ngay bên cạnh đường mương.
Và ngày 2/8 đã xảy ra vụ bốn công nhân Philippines bị bảo vệ Đài Loan đánh đập và bị sa thải không có lý do chính đáng.
Theo Hãng tin CNA, diễn biến mối bất đồng giữa người lao động Philippines và nhà quản lý Đài Loan như sau: ngày 14/7, 156 lao động Philippines đã tụ tập tại phòng ngủ tập thể để phản đối việc bị giảm lương 40%.
Việc này đã dẫn đến việc triệu tập cuộc họp giữa CTCI, công ty thầu công trình xây dựng nhà máy bánh qui và là nơi nhận chuyển phát lương, một nhà thầu khác là Công ty kỹ thuật Samsung, các lao động Philippines và Văn phòng Philippines tại Đài Trung.
Cuộc họp quyết định CTCI sẽ gửi biên nhận tiền lương bằng tiếng Trung và Anh cho người lao động, đồng thời chuyển thẳng tiền lương vào tài khoản mỗi lao động. Phí môi giới sẽ phải được thương lượng giữa người lao động và nhà thầu, và được trả tại Philippines.
Ngày 19/7, các lao động này đã được truy lĩnh số lương còn thiếu. Theo thông tin từ phía nhà tuyển dụng Formosa, tuy vậy ngày 15/7 đã xảy ra việc 16 công nhân Philippines từ chối vào công trường và ngăn cản những công nhân khác làm việc.
Vì vậy, Formosa đã sa thải và trục xuất những người này, kế đến xảy ra việc đánh đập. Hiện Formosa đòi các công nhân Philippines trưng ra chứng cớ là đã bị đánh "để khiển trách nhà thầu".
Vấn đề lao động nước ngoài bị dồn ép ở Đài Loan đã bị báo chí nhắc đến nhiều vì bạo động cứ nổ ra liên tục. Dĩ nhiên, việc những người lãnh đạo từ chức không có nghĩa vấn đề sẽ được nhanh chóng sắp xếp lại. Song nó thể hiện ý nghĩa "từ chức là hành động nhận trách nhiệm cao nhất".
Theo Thủy Tùng
Tuổi Trẻ