Người dân vùng cao oằn lưng bế quả ngọt lịm trên núi xuống bán

Hoàng Lam

(Dân trí) - Dứa được trồng trên đồi cao, quả to, ngọt, mọng nước. Tuy nhiên, việc vận chuyển dứa từ trên núi xuống tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và khiến người dân mất nhiều công sức.

Từ tháng 6, những rẫy dứa ở xã biên giới Nậm Cắn (Kỳ Sơn, Nghệ An) bắt đầu vào mùa thu hoạch. Dứa mật tại đây nổi tiếng với quả to, mắt thưa, vị ngọt đậm pha chút thanh nhẹ.

Đây là giống dứa mật bản địa, xuất phát từ các xã vùng cao như Huồi Tụ, Mường Lống. Sau 20 năm di cư từ các vùng này, cây dứa đã thích nghi tốt với khí hậu và thổ nhưỡng ở Nậm Cắn, cho năng suất cao và được kỳ vọng sẽ giúp người dân xóa đói giảm nghèo.

Người dân vùng cao oằn lưng bế quả ngọt lịm trên núi xuống bán - 1
Người dân Nậm Cắn vào mùa thu hoạch dứa rẫy (Ảnh: Đào Thọ).

Theo ông Hờ Bá Pó, Chủ tịch Hội nông dân xã Nậm Cắn, toàn xã có hơn 30ha diện tích trồng dứa, trong đó, bản Trường Sơn trồng nhiều nhất với 10ha.

"Dứa mật được trồng trên các sườn núi, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vị thơm, ngọt đặc trưng nên rất được ưa chuộng. Mặc dù trận mưa đá hồi tháng 4 gây thiệt hại không nhỏ tới các rẫy dứa nhưng nhìn chung vụ dứa năm nay được mùa, năng suất không giảm so với các năm khác", ông Hờ Bá Pó cho biết.

Người dân biên giới vào mùa thu hoạch dứa mật (Video: Đào Thọ)

Gia đình ông Lầu Thông Lỳ (bản Trường Sơn, Nậm Cắn) trồng hơn 1.000 gốc dứa. Sau khi xuống giống, ông để dứa phát triển tự nhiên, gần như không phải chăm sóc, bón phân. Sau gần 6 tháng, dứa bắt đầu cho thu hoạch, trung bình mỗi quả đạt trọng lượng 1,5-2kg.

"Thu hoạch dứa rẫy vất vả lắm, dứa cắt khỏi gốc, chất vào bế để gùi xuống núi. Gùi nặng, đường dốc, phải hết sức cẩn thận để không bị ngã", ông Lỳ nói.

Sườn núi dốc, dứa trồng rải rác, lẫn với cây cỏ, việc thu hoạch cũng lâu hơn. Một buổi sáng, vợ chồng ông Lỳ thu hoạch 2 gùi quả, mang xuống núi nhập cho thương lái với giá 15.000 đồng/quả.

Người dân vùng cao oằn lưng bế quả ngọt lịm trên núi xuống bán - 2
Dứa mật Kỳ Sơn quả to, mọng nước, vị thơm, ngọt đậm (Ảnh: Đào Thọ).

Ông Lỳ ước tính, vụ này, gia đình ông thu hoạch được hơn 10 triệu đồng tiền dứa, so với trồng ngô và lúa rẫy thì thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, việc trồng trên núi, thiếu biện pháp bảo vệ nên dứa hay bị chuột, sóc phá vào thời điểm sắp thu hoạch, gây thiệt hại đáng kể cho người trồng.

Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn, toàn huyện có 187ha trồng cây dứa mật. Dứa được trồng tập trung ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Tây Sơn, Nậm Cắn..., năng suất đạt 10-12 tạ/ha.

Tại các vùng có khí hậu lạnh, quả dứa có thể đạt trọng lượng trên dưới 2kg. Tuy nhiên, khi đưa ra các vùng có khí hậu nóng, quả dứa nhỏ hơn nhưng vị ngọt đậm hơn. Vào thời điểm đầu mùa, giá dứa ở mức 30.000-35.000 đồng/quả. Thời điểm này, dứa vào chính vụ thu hoạch, giá giảm còn 15.000-20.000 đồng/quả.

Người dân vùng cao oằn lưng bế quả ngọt lịm trên núi xuống bán - 3
Vì dứa được trồng trên các rẫy cao, độ dốc lớn nên việc thu hoạch, vận chuyển khó khăn. Người dân chỉ có cách duy nhất là chất dứa vào bế và gùi xuống núi (Ảnh: Đào Thọ).

So với các loại cây trồng khác, cây dứa có năng suất và giá bán ổn định, hiệu quả kinh tế cao hơn. Giống dứa mật Kỳ Sơn được thị trường ưa chuộng tuy nhiên, do khó khăn trong việc vận chuyển nên lượng quả bán ra thị trường ngoài huyện chưa cao.

Cây dứa mật có năng suất khá, ít sâu bệnh, bán được giá. Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Kỳ Sơn cũng phù hợp với cây dứa. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng đang được cân nhắc bởi thị trường tiêu thụ của dứa mật Kỳ Sơn chủ yếu trong huyện.

"Chúng tôi đang dự định đề xuất xây dựng hồ sơ để đăng ký dứa mật Kỳ Sơn trở thành sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đồng thời thành lập hợp tác xã để thu mua, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, dựa trên những yếu tố đặc trưng, khác biệt của dứa mật Kỳ Sơn so với các loại dứa khác, địa phương sẽ nghiên cứu đề xuất đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này", ông Nguyễn Xuân Trường thông tin.