1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Người đàn ông biến lá sen thành tác phẩm nghệ thuật "vô giá"

Nguyễn Cường

(Dân trí) - Qua bàn tay tài hoa của ông Nghĩa, những lá sen vốn không nhiều giá trị đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật, có giá trị cao.

Người đàn ông biến lá sen thành tác phẩm nghệ thuật vô giá - 1

Ông Nghĩa đã thực hiện hơn 150 bức tranh chân dung Bác Hồ (Ảnh: Nguyễn Cường).

Ông Lê Văn Nghĩa (65 tuổi, ngụ xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) nổi tiếng với việc đã thực hiện hơn 150 tác phẩm tranh chân dung Bác Hồ từ lá sen.

"Tranh lá sen Bảy Nghĩa" của ông Nghĩa đã được công nhận là một trong những sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp.

Ông Nghĩa từ nhỏ đã đam mê hội họa. Thời vào quân ngũ, vì vẽ đẹp nên ông thường được giao vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng và các liệt sĩ.

Xuất ngũ, ông Nghĩa về quê theo cha làm nghề mộc. Thời gian này, đam mê hội họa đã thôi thúc ông nghiên cứu, tạo ra những tác phẩm tranh từ vỏ tràm.

Dù vậy, chuyện "cơm áo gạo tiền" đã không cho ông được thỏa đam mê, ông vẫn phải chú trọng nghề mộc để nuôi vợ con.

Năm 2015, vợ mất, các con cũng đã ăn học trưởng thành, không còn gánh nặng gia đình, ông Nghĩa lần đầu được sống cùng đam mê của mình dù khi đã nghỉ hưu. Với ông, "bắt đầu sống với đam mê không bao giờ là muộn cả".

Người đàn ông biến lá sen thành tác phẩm nghệ thuật vô giá - 2

Họa sĩ già sẽ thực hiện công việc của mình bất kỳ khi nào cảm xúc dâng lên (Ảnh: Nguyễn Cường).

Thấy làm tranh từ vỏ tràm không mang lại nhiều ý nghĩa, nghệ nhân già bắt đầu tìm và thử với những chất liệu khác.

"Khi biết lá sen cũng có những phẩm chất để làm ra tranh, tôi vui lắm. Hơn nữa, nói đến sen, chúng ta nhớ đến Bác, sen cũng là biểu tượng của Đồng Tháp, vì thế tranh từ sen sẽ vô cùng ý nghĩa", ông Nghĩa bày tỏ.

Tuy nhiên thời gian đầu làm tranh lá sen với ông Nghĩa chẳng hề dễ dàng. Lá sen rất "đỏng đảnh", phơi quá nắng sẽ dòn, rách vỡ, phơi thiếu nắng lại mốc, khó kiểm soát màu, khó kết dính.

Ông Nghĩa phải thử rất nhiều lần mới ra được công thức phơi nắng, phơi sương bao nhiêu ngày để lá khô, dẻo và màu sắc ưng ý. Ông cũng phải thử rất nhiều lần mới chọn được loại keo dán phù hợp.

Người đàn ông biến lá sen thành tác phẩm nghệ thuật vô giá - 3

Ông Nghĩa dùng gân lá sen để họa tóc nhân vật (Ảnh: Nguyễn Cường).

"Nhưng không phải đơn giản đâu, tranh làm xong rồi cũng dễ bay màu, dễ hút ẩm với lá sẽ co rút khiến các chi tiết méo lệch. Phải thử nghiệm rất nhiều lần tôi mới tìm ra được giải pháp cho những vấn đề này", ông Nghĩa cho hay.

Cũng theo ông Nghĩa, việc chọn lá sen rất quan trọng, chỉ những lá già mới đủ chất lượng làm tranh. Hiện, ông Nghĩa đang mua 3.000 đồng/lá từ người dân, cao hơn cả giá gương sen ở địa phương.

"Bức tranh lá sen đầu tiên là tôi họa lại chân dung Bác Hồ nhưng rất khó. Họa Bác phải toát được thần thái, vừa uy nghi, vừa gần gũi.

Phải làm sao để khi xem tranh ai cũng thấy được sự trìu mến, bao dung của Bác với vầng trán cao, đôi mắt sáng, nụ cười hiền. Tôi đã mất rất nhiều ngày, cũng thức nhiều đêm mới làm ra được bức tranh ưng ý, nhưng kể từ đó rút được rất nhiều kinh nghiệm", ông Nghĩa nói.

Kể từ khi bức tranh đầu tiên họa Bác được nhiều người biết đến, ông Nghĩa dần nổi tiếng khắp cả nước. Ông kể, khách không cần gặp nhưng vẫn sẵn sàng trả 4 triệu đồng để đặt ông làm một tranh chân dung khổ A3 hoặc 5 triệu đồng cho một tranh khổ A2.

Ông Nghĩa nhận hình mẫu qua ứng dụng trò chuyện trên mạng xã hội, trao đổi online với khách rồi giao hàng qua đường bưu điện. Trong quá trình làm tranh và bán hàng, có nhiều khâu cần đến công nghệ hay đụng đến máy tính thì ông "chịu", phải thuê con cháu làm giúp.

"Tôi làm được nhiều loại tranh, phong cảnh, tĩnh vật, động vật đều được. Nhưng từ khi làm tranh chân dung, tôi thấy mê thể loại này và muốn chú tâm hoàn thiện kỹ năng để sản phẩm ngày càng có hồn hơn nữa.

Người đàn ông biến lá sen thành tác phẩm nghệ thuật vô giá - 4

Không phải bút và mực, kéo và lá sen mới là công cụ của họa sĩ Bảy Nghĩa (Ảnh: Nguyễn Cường).

Họa nông dân phải hiện lên sự cần cù, họa giáo viên phải toát được sự tri thức, đàn ông thì phải khỏe khoắn, phụ nữ thì phải dịu dàng. Ban đầu chỉ cắt hoặc xé từng mảnh lá ghép lại thành tranh, giờ với những chi tiết như sợi tóc, nếp nhăn trên khuôn mặt nhân vật tôi sử dụng gân sen, sẽ tinh tế hơn nhiều", ông Nghĩa nói.

Mỗi tác phẩm, ông Nghĩa mất khoảng 4 ngày để hoàn thiện. Với ông, hoạt động nghệ thuật cần cảm hứng, nếu không có cảm hứng thì tranh không thể đẹp, cũng vì vậy mà có khi nửa đêm ông lại lọ mọ dậy làm.

Nghệ nhân già chia sẻ, kể từ khi nổi tiếng, ngày nào ông cũng bận, lượng tranh khách đã đặt phải đến tháng 2/2025 mới hoàn thành hết.