Người dân biên giới có "của ăn, của để" nhờ trồng cây tỷ đô
(Dân trí) - Đời sống người dân xã biên giới Quảng Trực ở Đắk Nông ngày càng thay đổi từ khi cây mắc ca cho hiệu quả kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn.
Thoát nghèo nhờ "cây tỷ đô"
Sau nhiều năm lao động vất vả, kinh tế gia đình ông Điểu Toi (dân tộc M'nông, ở bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã khá giả hơn nhiều.
Năm 2012, thông qua dự án làng biên giới, gia đình ông Điểu Toi đã được hỗ trợ căn nhà kiên cố, trị giá 40 triệu đồng. Cũng trong năm này, nhà ông được hỗ trợ 1 hecta đất sản xuất, 350 cây giống mắc ca và 2 con bò từ chương trình giảm nghèo bền vững.
Có đất, cả nhà tập trung làm ăn, phát triển kinh tế. Vụ vừa qua, với 2 tấn cà phê nhân, một tấn mắc ca tươi, sau khi trừ chi phí, hộ ông Điểu Toi thu nhập trên 70 triệu đồng.
Khi kinh tế gia đình phát triển trong sự đổi thay của bon làng (cách gọi buôn làng của người bản địa - PV), ông Điểu Toi còn nhiệt tình hỗ trợ bà con trong cộng đồng.
Ông Điểu Toi chia sẻ: "Gắn bó với mảnh đất này từ thời ông bà, chúng tôi cảm nhận được sự thay đổi của xã Quảng Trực từng ngày. Nhà nước hỗ trợ bà con đồng bào làm ăn, từng bước thoát nghèo. Hiện nay, gia đình tôi không còn chạy ăn từng bữa, con cháu trong nhà được đi học".
Cũng giống như gia đình ông Điểu Toi, nhà ông Điểu P'lao (bon Bu Prăng 1) trước đây có hơn 10 nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Cuộc sống của gia đình chỉ thay đổi từ khi ông tiếp cận với cây mắc ca.
Cây mắc ca vốn đã dễ tính, phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây, nên phát triển nhanh, khỏe mạnh. Sau khoảng 5 năm chăm sóc, 200 cây mắc ca của gia đình ông P'lao đã cho thu nhập ổn định.
Hiện tại, mỗi năm gia đình ông Điểu P'lao thu được gần 2 tấn hạt mắc ca. Sau khi từ chi phí, ông Điểu P'lao thu về khoảng 140 triệu đồng.
Ông P'lao chia sẻ: "Cây mắc ca đã thay đổi cuộc sống gia đình tôi. Mắc ca cho thấy hiệu quả và dễ chăm sóc, bán được giá. Giờ trong bon nhà nào nhiều mắc ca là nhà đó giàu có. Nhờ mắc ca gia đình tôi cũng đã thoát nghèo từ năm ngoái".
Xây nhà, mua xe nhờ mắc ca
Gần 10 năm trước, cây mắc ca bén rễ tại vùng đất biên giới xã Quảng Trực. Sau quãng thời gian "thử thách", mắc ca đã phá thế độc canh trong sản xuất nông nghiệp của địa phương này.
Cũng nhờ cây mắc ca, lao động địa phương có thêm sinh kế, thậm chí nhiều hộ gia đình còn có kinh tế khá giả nhờ trồng "nữ hoàng của các loại hạt".
Bà Ngô Thị Hoài Thu (dân tộc Tày, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức) phấn khởi khoe căn nhà rộng hơn 150m2. Cơ ngơi này của gia đình được xây dựng vào năm ngoái, một phần nhờ thu nhập từ cây mắc ca.
Với hơn 130 gốc, mỗi năm bà Thu thu được hơn 2 tấn quả mắc ca tươi. Hiện gia đình bà Thu đã mở rộng thêm diện tích và có thêm 300 gốc mắc ca cho thu bói.
"Mắc ca tươi thu hoạch đều được các đầu mối thu mua với giá cả ổn định. Nếu so với các cây trồng khác, mắc ca dễ trồng và ít tốn công hơn, lợi nhuận hàng năm thu được cũng ổn định hơn cà phê hoặc điều. Giá bán mắc ca tươi hiện nay đang dao động khoảng 90.000 đồng/kg", bà Thu chia sẻ.
Ông Nguyễn Hải Lý, Chủ tịch UBND xã Quảng Trực, cho biết sau nhiều năm thực hiện việc trồng, sản xuất mắc ca, thu nhập bình quân đầu người của xã Quảng Trực năm sau cao hơn năm trước, đời sống vật chất tinh thần của người dân cải thiện.
"Để giúp bà con phát triển kinh tế, ổn định an ninh chính trị, xã Quảng Trực tiếp tục triển khai các đề án, chương trình đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được phê duyệt, trong đó tập trung phát triển cây mắc ca trở thành cây chủ lực của địa phương", Chủ tịch UBND xã Quảng Trực nhấn mạnh.
Ngày 27/5/2019, xã Quảng Trực đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã An toàn khu và đón nhận Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số cư trú, trong đó đồng bào tại chỗ là người M'nông chiếm tỷ lệ cao nhất.
Xã Quảng Trực cũng có đường biên giới, giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia.