Đắk Nông: Mắc ca được mùa, giữ giá giữa mùa dịch

Trường Thịnh

(Dân trí) - Hiện nay, người dân trong tỉnh Đắk Nông đang tập trung thu hoạch mắc ca. Năng suất mắc ca đạt khá cao, giá ổn định, nên các hộ trồng mắc ca có một vụ thu hoạch được mùa.

Theo bà con nông dân, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, hầu hết các vườn mắc ca đều sai quả. Tại những vườn mắc ca trưởng thành, trung bình cho thu hoạch trên 10 kg/cây.

Cá biệt, tại huyện Đắk R'lấp, nhiều nhà vườn trồng mắc ca từ năm 2010, năng suất đạt gần 25 kg/1 cây. Hiện nay, đa số mắc ca thu hoạch của người dân chủ yếu là trồng xen trong vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả.

Đắk Nông: Mắc ca được mùa, giữ giá giữa mùa dịch - 1
Hạt mắc ca đã qua sơ chế của gia đình ông Nguyễn Đình An, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông).

Bà con thường trồng khoảng 100 cây mắc ca/ha. Với năng suất hiện nay, bà con thu hoạch trên 1,5 tấn hạt/ 1 ha.

Trái mắc ca hiện có giá từ 60.000 - 80.000 đồng/kg, bà con thu về trên 120 triệu đồng/ha. Trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh, giá mắc ca vẫn duy trì ổn định, có giảm nhưng không đáng kể.

Gia đình ông Nguyễn Đình An, xã Đắk Ha (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông), trồng xen 200 cây mắc ca trong vườn cà phê. Năm nay, vườn cây mắc ca của gia đình ông cho thu hoạch năm thứ 3, rất sung sức cả về tầm vóc cây và khả năng ra hoa, đậu quả.

Vườn mắc ca của ông An cho năng suất đạt trên 10 kg/cây. Ông An cho biết: "Mắc ca ít công chăm sóc, không lo hạn hán, ít gặp rủi ro. Mắc ca thu về sơ chế là có thể bảo quản tốt trong kho nhiều ngày. Khi có nhu cầu thì mang ra bán, không sợ hư hỏng".

Theo ông An, để mắc ca sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với sinh thái vườn xen canh, ông phải thường xuyên cắt, tỉa cành, giằng chống để không bị gãy cành khi cây nhiều quả.

Cũng theo ông An, mắc ca mang lại nhiều lợi ích kinh tế, ít cạnh tranh dinh dưỡng trong vườn xen canh, nên ông đã trồng xen trong 2 ha cà phê, hồ tiêu của gia đình. Vụ này, gia đình ông thu hoạch gần 3 tấn quả mắc ca, thu về khoảng 200 triệu đồng.

Còn gia đình ông Trần Văn Nhất, ở xã Kiến Thành (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông) cho hay: "Năm nay do dịch Covid-19, nên giá mắc ca có thấp hơn năm ngoái đôi chút, nhưng bù lại năng suất đạt cao hơn. Đây thực sự là niềm vui đối với bà con nông dân trong lúc khó khăn này. Với giá tiêu thụ hạt mắc ca xô khoảng 75.000 đồng/kg, thu nhập từ cây mắc ca trồng xen trong vườn cà phê (100 cây/ha) đạt bình quân từ 70-100 triệu đồng/ha".

Theo ông Lê Văn Cường, chủ cơ sở thu mua, chế biến hạt mắc ca ở xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp), gia đình ông đầu tư thiết bị sấy, chẻ hạt, máy hút chân không để mua hạt mắc ca về sơ chế, chế biến. Mỗi vụ, gia đình ông thu mua khoảng 7 tấn hạt mắc ca để sơ chế và cung cấp cho các đại lý lớn trong và ngoài tỉnh.

Ông Cường chia sẻ: "Hiện nay, nhu cầu mắc ca trên thị trường khá lớn, nhất là các cơ sở thu mua để chế biến các sản phẩm bánh kẹo, dự trữ cho dịp lễ tết cuối năm. Hiện nay, tôi còn khá nhiều đơn đặt hàng".

Theo các nhà vườn, trồng mắc ca hiện cho hiệu quả kinh tế khá cao, chi phí đầu tư thấp. Chỉ cần giá mắc ca đạt trên 80.000 đồng/kg là người trồng có thu nhập ổn định.

Hiện nay, toàn tỉnh Đắk Nông có trên 1.100 ha mắc ca, tập trung chủ yếu ở Tuy Đức, Đắk R'lấp, Đắk Glong, Đắk Song. Theo Chi cục Phát triển nông, Sở Nông nghiệp - PTNT, cây mắc ca có nhiều loại giống, nhưng có 5 dòng là OC, QN1, 695, 246, H2 là sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.

Nhằm hỗ trợ nông dân và các tổ chức, cá nhân liên quan đến phát triển sản xuất mắc ca, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tăng thu nhập, UBND tỉnh Đắk Nông đã ký kết hợp tác với Hiệp hội mắc ca Việt Nam để phát triển 8.000 ha mắc ca giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, hai bên hợp tác trồng thuần khoảng 3.000 ha, tương đương 1.000.000 cây; trồng xen 5.000 ha, tương đương 500.000 cây. Việc phát triển mắc ca dựa trên tình hình quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hai bên sẽ phối hợp phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ và chế biến các sản phẩm mắc ca.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm