1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Ngón nghề né nấm độc, tìm đặc sản trong rừng thông Đà Lạt

Minh Hậu

(Dân trí) - Tháng 5, thành phố Đà Lạt bước vào mùa mưa. Đây là thời điểm hàng loạt loại nấm trong rừng thông nảy nở. Nhiều loại nấm trong đó thực sự là lộc trời ban.

Theo người dân địa phương, nấm thông Đà Lạt (Lâm Đồng) chỉ mọc vào mùa mưa và thường phân bố theo quần thể. Tuy có đến hàng trăm loài khác nhau nhưng người dân Đà Lạt chỉ thu hái những loại nấm phổ biến như: gan bò, trứng gà (hột gà), tro, san hô (hoa đá), sữa… làm thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (60 tuổi, trú tại phường 9, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) chia sẻ, mỗi loại nấm thông Đà Lạt sau chế biến thường có hương vị khác nhau và khác hẳn các loại nấm được sản xuất, bán trên thị trường.

Ngón nghề né nấm độc, tìm đặc sản trong rừng thông Đà Lạt - 1

Vào mùa mưa, người dân thành phố Đà Lạt vào rừng thông thu hái nấm mang về chế biến món ăn (Ảnh: Minh Hậu).

"Nấm thông được ví như lộc trời ban nên cứ vào mùa là vợ chồng tôi lại tranh thủ vào rừng tìm hái. Có những ngày may mắn kiếm được 50kg, có một khoản thu nhập đáng kể", ông Thịnh chia sẻ.

Gia đình ông Thịnh thường đến khu vực rừng thông ở núi Hòn Bồ (phường 12), đèo Mimosa (phường 10), đèo Prenn (phường 3) để tìm nấm.

Ngón nghề né nấm độc, tìm đặc sản trong rừng thông Đà Lạt - 2

Một thanh niên thu hái nấm gan bò tại rừng thông phường 7, thành phố Đà Lạt (Ảnh: Minh Hậu).

"Thông thường, mỗi loại nấm lại tập trung ở một khu vực và "lộc trời" sẽ xuất hiện nhiều sau đợt mưa dài ngày. Việc đi "săn" nấm rừng thông Đà Lạt không quá vất vả vì các cánh rừng thường có những lối mòn mà xe máy chạy được", ông Thịnh chia sẻ.

Cũng như ông Thịnh, dịp này anh Nguyễn Huy Hoàng (33 tuổi, trú tại phường 8, thành phố Đà Lạt) tranh thủ lúc rảnh rỗi vào rừng thu hái "lộc trời". Ngày còn nhỏ, anh Hoàng thường theo ba mẹ vào những cánh rừng gần nhà để tìm nấm phục vụ bữa ăn gia đình.

"Bao giờ cũng thế, cứ vào rừng tìm nấm là hòa mình vào thiên nhiên, được vui chơi thỏa thích. Có những ngày tôi hái được 10kg nhưng có ngày chỉ nhặt được chưa đến 1kg. Tuy vậy, ai cũng vui", anh Hoàng kể.

Ngón nghề né nấm độc, tìm đặc sản trong rừng thông Đà Lạt - 3

Một gốc nấm cối người dân thu hái được, đủ làm nửa đĩa xào (Ảnh: Minh Hậu).

Tuy nhiên, một thách thức, theo anh Hoàng, ở rừng thông, các loài nấm ăn được và nấm chứa độc mọc xen lẫn nhau và có màu sắc, hình dạng khó phân biệt. Do vậy, người không có kinh nghiệm dễ nhầm lẫn và dẫn tới ngộ độc.

Anh Hoàng nói: "Để đảm bảo an toàn, tôi chỉ hái những loại mà ông bà, cha mẹ chỉ dạy. Nhiều lúc gặp những cây nấm trông rất đẹp và nghĩ là ngon lành tôi cũng không dám hái vì sợ trúng độc".

Được biết, nấm thông Đà Lạt thường được người dân sử dụng chế biến các món ăn như xào sả ớt, hầm canh xương, nấu cháo…

Ngón nghề né nấm độc, tìm đặc sản trong rừng thông Đà Lạt - 4

Anh Nguyễn Huy Hoàng, trú tại phường 8, thành phố Đà Lạt cùng số nấm thông Đà Lạt vừa thu hái được (Ảnh: Minh Hậu).

Tiến sĩ nấm học Trương Bình Nguyên, Khoa sinh học, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, thu hái nấm rừng thông Đà Lạt là hoạt động truyền thống có từ lâu, không chỉ người dân địa phương mà du khách gần xa cũng tham gia trải nghiệm.

Theo tiến sĩ Nguyên, các loài nấm ở địa phương thường cộng sinh dưới tán thông nên loại thực vật này xuất hiện nhiều vào mùa mưa. Nấm thông Đà Lạt rất đa dạng chủng loại nhưng hình thái lại kém phong phú.

Do vậy, vẻ bề ngoài, nhiều loại nấm trông giống nhau nhưng chất lượng khác nhau và có thể phát sinh những hoạt chất khác nhau. Chính điều này đã dẫn đến nhầm lẫn và có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.

Ngón nghề né nấm độc, tìm đặc sản trong rừng thông Đà Lạt - 5

Một số nấm thông Đà Lạt anh Nguyễn Huy Hoàng thu hái mang về chế biến món ăn (Ảnh: Minh Hậu).

"Có nghiên cứu công bố khoảng gần 300 loại nấm thông Đà Lạt, trong đó nhiều nấm ăn được nhưng loại chứa độc tố, có thể gây nguy hiểm tính mạng con người cũng không ít.

Do vậy, người đi "săn" nấm rừng cần có kiến thức, kinh nghiệm. Nguyên tắc quan trọng nhất là không tự tiện nếm thử các loại nấm chưa được kiểm chứng", tiến sĩ Trương Bình Nguyên khuyến cáo.