Nghỉ việc do Covid-19, người lao động thêm "đau đầu" chuyện học của con

Đình Hùng

(Dân trí) - Lo lắng về việc làm và thu nhập bị ảnh hưởng vì Covid-19, nhiều người lao động còn trăn trở về những chi phí cho việc học hành của con cái khi năm học mới sắp đến.

"Đau đầu"… vì tiền

Chị Đỗ Thị Như Nguyệt (30 tuổi, quê Bắc Giang) làm giáo viên mầm non tại một trường mầm non tư thục trên quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã vài năm nay.

Trước khi dịch bùng phát lần 4, chị có thu nhập khoảng 6,5 triệu đồng/tháng cho công việc ở trường và đi dạy thêm.

Nhưng tới nay, các trường mầm non tư thục phải tạm dừng, các lớp dạy thêm cũng buộc phải tạm nghỉ, chị mất thu nhập hoàn toàn. Nỗi lo về chi phí sinh hoạt, chi tiêu học hành cho đứa con nhỏ như một gánh nặng đè lên đôi vai của chị.

Đối với những gia đình khác, việc gặp phải khó khăn trong mùa dịch Covid-19 là điều không thể tránh khỏi. Nhưng với chị Đỗ Thị Như Nguyệt, khó khăn đó còn nhiều hơn gấp đôi. Bởi chị phải tự lo mọi chi tiêu trong nhà, người chồng cũ không chu cấp gì.

Nghỉ việc do Covid-19, người lao động thêm đau đầu chuyện học của con - 1

Chị Đỗ Thị Như Nguyệt hướng dẫn con học. Ảnh: NVCC.

Để giảm bớt khó khăn về chi phí sinh hoạt và cũng như để tránh dịch bệnh, chị Đỗ Thị Như Nguyệt quyết định tạm cùng con về quê từ ngày 30/4. "Tôi thất nghiệp đã mấy tháng nay. Để có chi phí duy trì sinh hoạt hàng ngày, 2 mẹ con tôi phải nhờ vào trợ cấp của ông bà ngoại ở quê", chị buồn rầu.

May thay, trong thời gian này, cảm thông với hoàn cảnh của chị, chủ nhà trọ quyết định bớt một nửa tiền phòng cho 2 mẹ con.

Con chị Đỗ Thị Như Nguyệt năm nay bước vào lớp 1. Để cháu có môi trường học tập tốt nhất, chị đã đăng ký trực tuyến cho con vào một trường tiểu học tại quận Nam Từ Liêm.

Hôm 27/7, nhà trường yêu cầu phụ huynh đến nộp hồ sơ (bản cứng). Hai mẹ con lại vất vả bắt xe từ Bắc Giang ra Hà Nội.

Con chị sắp nhập học trong khi thu nhập không có. Theo quy định của nhà trường, cháu đang cần một chiếc laptop để học trực tuyến. Nhưng việc giãn cách cũng khiến các cửa hàng đóng cửa.

Chị Nguyệt băn khoăn: Liệu có chiếc laptop nào phù hợp khả năng tài chính eo hẹp của mẹ và vẫn giúp con học bài?

Tuy nhiên, cho dù có nhiều khó khăn đang bủa vây, chị Nguyệt vẫn thể hiện quyết tâm đồng lòng với Chính phủ để dập dịch: "Hy vọng dịch bệnh Covid-19 qua nhanh để các con đến trường được cô giáo bổ trợ kiến thức và nền nếp".

Bố mẹ làm việc Hà Nội, con ở tỉnh

Cũng cùng cảnh khó khăn do Covid-19, vợ chồng chị Chu Thị Mai Loan mới được nhận vào làm việc tại một công ty điện tử ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) trong mấy tháng qua.

Trước dịch, 2 vợ chồng chị có tổng thu nhập 12 triệu đồng/tháng. Vừa thử việc được một tháng, dịch bệnh bùng phát, công ty buộc phải tạm dừng hoạt động từ ngày 4/6. Vợ chồng chị cũng theo đó mà thất nghiệp.

Nghỉ việc do Covid-19, người lao động thêm đau đầu chuyện học của con - 2

Chị Chu Thị Mai Loan. Ảnh: NVCC.

"Công ty hỗ trợ cho tôi và chồng 70% lương cơ bản (khoảng 4,7 triệu đồng/người). Số tiền đó chúng tôi dùng để trả tiền trọ, gửi về quê trả nợ và mua đồ dùng học tập cho các con thì cũng hết", chị Chu Thị Mai Loan bày tỏ.

Vợ chồng chị thuê trọ ở thôn Hậu Dưỡng (xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội) - nơi đây đang bị phong tỏa. Gia đình chị Chu Thị Mai Loan có 2 cháu đang ăn học ở quê. Một cháu năm nay lên lớp 2, cháu còn lại thì đang học mầm non.

Là bố mẹ, ai cũng muốn ở cạnh con. Nhưng vợ chồng chị lại không thể để các con ở cùng. "Bởi nếu cho các con đi học ở đây thì chi phí tốn kém. Trong khi vợ chồng tôi chỉ vừa mới lên Hà Nội xin việc", chị Chu Thị Mai Loan chia sẻ.

Hôm trước, cô giáo gọi điện cho chị thông báo ngày 30/8 học sinh bắt đầu nhập học. Nghĩ về việc học của con, chị Chu Thị Mai Loan vừa nói vừa khóc: "Đứa lớn năm nay lên lớp 2 và học chương trình mới. Ông bà cháu già nên không hỗ trợ được gì. Năm trước tôi còn ở nhà nên có thể kèm con học. Năm nay thì không thể".