Nghị lực phi thường của chàng trai không bàn tay

Tai nạn điện giật khiến chàng trai Lê Văn Tuấn (SN 1991, trú xóm 3, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) mất đi đôi bàn tay. Không đầu hàng số phận, chàng thanh niên ấy đã vượt qua cú sốc đầu đời, cố vươn lên tạo dựng cuộc sống, giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ.

Nghị lực phi thường của chàng trai không bàn tay - 1

Tối muộn nhưng Tuấn vẫn miệt mài sửa điện thoại để trả đúng hẹn cho khách. Ảnh: V.Đồng

 

Tai họa ập đến

Tối muộn nhưng cửa hàng sửa chữa, mua bán điện thoại của anh Tuấn ở chợ quê xã Tào Sơn vẫn sáng đèn. "Mấy hôm đi vắng nên điện thoại của khách đưa đến sửa vẫn chưa xong. Phải cố nốt mấy đêm nữa mới kịp trả máy cho khách đúng hẹn", Tuấn vừa nói vừa chăm chú vào công việc của mình.

Chúng tôi bất ngờ khi hai tay của Tuấn bị cắt cụt gần đến khuỷu nhưng thao tác tháo, lắp máy điện thoại thuần thục, chuẩn xác. Tuấn dùng hai đầu gối kẹp chặt máy điện thoại, rồi sử dụng hai tay bị cụt với công cụ hỗ trợ mở máy điện thoại nhanh thoăn thoắt. Mở máy xong, Tuấn lại chụm hai cùi tay vào cái tuốc nơ vít nhỏ mở các ốc vít bé xíu trong điện thoại.

Tuấn tâm sự: "Các linh kiện điện thoại đều bé xíu. Nhất là những chiếc ốc, nhiều cái bé như hạt gạo. Để làm được những việc tỉ mỉ này, tôi đã phải khổ luyện đến tứa máu mấy năm trời".

Tuấn là con thứ 4 trong gia đình có 6 anh chị em. Năm 2012, Tuấn lên đường nhập ngũ. Khi hoàn thành xong nghĩa vụ quân sự thì cũng là lúc Tuấn gặp tai họa.

Vẫn nhớ như in, Tuấn kể: "Đó là ngày 19/2/2015, giáp Tết, trời mưa phùn. Khi tôi cùng một người nữa sửa mái nhà cho người họ hàng thì bất ngờ chúng tôi bị dòng điện cao thế chạy qua mái nhà phóng trúng".

Khi tỉnh lại, Tuấn thấy mình đã không còn đôi tay, hai chân cũng có nguy cơ phải cắt bỏ. Tuấn suy sụp không muốn sống. Thế nhưng, thấy bố mẹ ứa nước mắt khi tay run run lau những vết thương thì Tuấn hiểu được nỗi đau của các bậc sinh thành. "Chỉ có cách sống. Sống thật tốt. Sống để giúp mình, gia đình và xã hội thì mới vơi đi phần nào nỗi đau của bố mẹ. Đó là động lực giúp tôi vượt qua mọi khó khăn", Tuấn nói.

Hơn 2 tháng điều trị ở Viện Bỏng Quốc gia, Tuấn trở về với đôi tay bị cắt cụt gần đến khuỷu. Gia đình cũng khánh kiệt khi tìm mọi cách chữa trị cho Tuấn. Nhìn bố mẹ tiều tụy, Tuấn tự nhủ phải cố gắng, sống lạc quan.

Vượt lên số phận

Dù không còn đôi tay nhưng Tuấn vẫn giữ được nghị lực. Nghề cơ khí Tuấn học trong Bình Dương trước đó vẫn thôi thúc anh làm một việc gì đó để tự kiếm sống, không phải dựa dẫm vào gia đình. Phải làm lại từ đầu, dù biết khó khăn khi không còn đôi tay nhưng Tuấn vẫn kiên trì.

Tập dần với những thứ đơn giản nhất như đánh răng, rửa mặt rồi cầm thìa. Khi đã dần quen với những việc này, Tuấn bắt đầu tìm một nghề để tự kiếm sống. "Tôi bắt đầu tìm đến những người bạn làm nghề sửa máy tính, điện thoại để nhìn, học. Rồi được mọi người tận tình giúp đỡ. Việc cầm kẹp, tuốc nơ vít để sửa điện thoại tôi phải mất gần 3 năm trời mới thành thạo. Tứa máu, đau nhức cả tháng trời khi tập vặn vít là chuyện thường ngày", Tuấn kể.

Khi đã có ít kiến thức về sửa chữa máy tính, điện thoại, Tuấn mạnh dạn đề xuất gia đình để mở một cửa hàng kinh doanh riêng. Nhớ về thời điểm đó, Tuấn vui vẻ chia sẻ: "Ai cũng ái ngại khi đưa máy đến sửa chỗ tôi. Mới làm quen nên việc làm hỏng, đền máy cho khách nhiều lắm. Thế nhưng ai cũng cảm thông và tin tưởng tôi. Giờ chỉ vắng nhà mấy ngày mà máy khách nhờ sửa cả núi đây này".

Sau 3 năm gây dựng, cửa hàng của Tuấn đã trở thành địa điểm quen thuộc của người dân ở xã Tào Sơn.Tuấn không chỉ trở thành ông chủ mà còn thành thầy, đào tạo nghề cho một số thanh niên và hỗ trợ họ làm việc ngay tại cửa hàng của mình.

Không dừng lại ở đó, Tuấn còn tham gia nhiều hoạt động đoàn, hội tại địa phương và trở thành tấm gương sáng, giàu nghị lực cho đoàn viên thanh niên của xã Tào Sơn cũng như huyện Anh Sơn. Hơn nữa, khi nghe, biết đến những hoàn cảnh như mình thì Tuấn liền bắt xe đến gặp những người này để hỏi han, tâm sự, hỗ trợ phần nào những người cùng cảnh ngộ.

Tuấn tâm sự: "Tôi đã từng trải qua cú sốc khi gặp nạn mất đi đôi tay. Tôi hiểu rõ cảm giác bất lực, tuyệt vọng lúc đó. Nhưng nhờ gia đình, bạn bè tôi đã vượt qua. Tôi muốn sẻ chia, động viên những hoàn cảnh như tôi vượt lên số phận, tạo dựng cuộc sống".

Lê Văn Tuấn là một trong những đại biểu ưu tú vừa tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11/12 vừa qua.

Tại đây, Tuấn chia sẻ: "Trong lúc khó khăn, mình đã được các anh chị trong Hội LHTN xã thường xuyên đến thăm, động viên ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần. Mình nhìn các anh chị trong Hội để học hỏi và tích cực tham gia các phong trào nên dần tự tin hòa nhập cuộc sống. Với những trải nghiệm của bản thân, tôi cũng đề xuất, Hội Liên hiệp Thanh niên các cấp sẽ là cầu nối để thanh niên khuyết tật có được cơ hội giao lưu, học tập, học nghề, tìm kiếm việc làm và tham gia bình đẳng các hoạt động xã hội. Đặc biệt, tổ chức Hội sẽ có nhiều hơn những chương trình hỗ trợ người khuyết tật để họ có thể vươn lên tự nuôi sống bản thân, đóng góp cho gia đình, xã hội".

Theo Vũ Đồng/Gia đình và Xã hội