Nghỉ hè, sinh viên đi giữ… xe lu

“Lau chùi nhà vệ sinh bằng bùi nhùi sắt, dù được tuyển vào với công việc chính là nhân viên bồi bàn; thức thâu đêm để bảo vệ máy móc ở công trường; hay dầm mưa chạy vài cuốc xe ôm… ”, đấy là công việc làm thêm “độc” của một số sinh viên trong dịp hè.

 
Đèn pin, cỏ dại và một cái xe lu

Trong khi các bạn của mình chọn những việc nhẹ nhàng, “kiếm ra tiền” để làm trong những tháng hè, thì Thiện Long, sinh viên năm thứ nhất, ĐH KHXH&NV lại chọn việc làm bảo vệ. Đơn giản vì “mình muốn làm một việc mà chẳng sinh viên nào làm, thế mới thú”.

Vậy là Long xin vào làm cho Công ty TNHH Sao Đỏ (chuyên cung cấp bảo vệ, vệ sĩ cho các cơ quan, xí nghiệp), ngay sau đó cậu được phân đến làm bảo vệ máy móc thiết bị tại công trường đang xây dựng ở thôn Văn Trì (Cổ Nhuế, Từ Liêm, HN).

 

Nghỉ hè, sinh viên đi giữ… xe lu - 1

Nhiệm vụ của Long chỉ là trông coi mỗi cái máy lu đứng
giữa bãi đất của dự án, cỏ dại đã mọc cao ngang bụng người.
 
Nếu mình chỉ làm 8 tiếng sẽ được trả 1,2 triệu/tháng. Nhưng nếu tăng ca sẽ được tính theo giờ, mỗi giờ được công ty trả thêm 5000 đồng. Tính ra, cả thời gian làm chính thức lẫn tăng ca, mỗi ngày mình phải làm khoảng 12 giờ, từ 8 giờ tối hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau”. Hướng ánh mắt ngầu đỏ vì thiếu ngủ về cái máy lu đứng giữa đồng hoang, Long nhẩm tính.

 
Gọi là bảo vệ máy móc, thiết bị của công trường, nhưng thực chất nhiệm vụ của Long chỉ là trông coi mỗi cái máy lu đứng giữa bãi đất của dự án, cỏ dại đã mọc cao ngang bụng người. Cậu cho biết: “Công việc chính là ngồi trên xe cho gọi là… có người. Nhưng nếu rời vị trí bị thanh tra của công ty bắt được, sẽ bị lập biên bản và phạt 50 ngàn đồng/lần vi phạm”

Long tâm sự: “Công việc cũng không nặng lắm, chỉ cầm đèn pin ngồi trên máy để phòng trộm cắp. Vì phải thức đêm ngủ ngày, lúc đầu chưa quen cũng mệt mỏi, nhưng giờ thì quen rồi. Sợ nhất là nửa đêm có thằng nghiện nào đó lên hỏi thăm, lúc đấy giữa đồng không biết cầu cứu ai?”

Xe ôm mặt trắng

Một nghề “độc” nữa cũng được không ít sinh viên lựa chọn làm trong hè là chạy xe ôm, chỉ cần có chiếc xe máy cũ với giá vài triệu đồng, bằng lái xe và sự gan lỳ là các bạn sinh viên đã có thể “lên đường” chạy xe ôm.

Chúng tôi gặp Nguyễn Đình Thi (đang theo học năm thứ 3, kho công nghệ thông tin, tại Trung tâm Phát triển Công nghệ Thông Tin, thuộc Đại Học Quốc Gia TPHCM) khi cậu đang ngồi trên chiếc xe Dream cũ đợi khách gần cổng bến xe Mỹ Đình. Dù “bước chân” vào nghề xe ôm đã được gần hai tháng, nhưng trông cậu vẫn khá thư sinh, khác hẳn những tay xe ôm đàn anh khác, theo Thi “đấy cũng là lợi thế câu khách của cánh xe ôm sinh viên”.

Tranh thủ lúc đợi khách, Thi tâm sự: “Trước đây cũng đã từng làm một số việc như gia sư, bán hàng, trông quán Internet… nhưng nó gò bó không thích nên bỏ. Thấy nghề xe ôm cũng hay nên thử cho biết, cũng là kiếm thêm chút đỉnh trong lúc nhàn rỗi”.

Để có được một chân ở bến xe này đón khách cũng lắm gian nan. Ngày đầu, lớ ngớ không biết, cứ đem xe ra đứng, bị mấy đàn anh đến “hỏi thăm”. Nhờ một tay đàn anh mách nước, Thi mới biết phải có cái lễ gọi là… ra mắt và xin phép được nhập nhóm. Tính ra cái lễ đấy Thi phải chi mất cả triệu đồng, mới được một chỗ đứng ở đây.

 
“Lâu lâu mình cũng phải bỏ ra vài trăm ngàn mời các tay đàn anh đi làm vài cốc bia, để họ truyền lại cho mình một số kinh nghiệm trong nghề. Như nếu thấy khách không có hành lý là mình không đi, vì những khách như thế rất có thể là dân côn đồ, nghiên ngập gọi mình chở đến chỗ vắng để cướp. Chứ thường đã là người đi xa thì ai cũng phải mang theo hành lý dù ít hay nhiều”. Ngồi trên chiếc xe Dream cũ kỹ, đưa mắt tìm khách, Thi cho biết.

Nếu trừ tiền xăng, bình quân mỗi ngày Thi cũng kiếm được trên 100 ngàn. Công việc của cậu sinh viên xe ôm này bắt đầu từ 8 giờ sáng, đến khoảng 10 giờ tối. Còn vào những đêm có xe Bắc - Nam chạy qua đây trả khách (gần 2 giờ sáng các tối thứ 2, 4, 6) thì cậu thường thức thâu đêm, nếu may mắt kiếm được khách về một số tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định… thì mỗi “cuốc” cũng kiếm được vài trăm ngàn.

“Đấy là những hôm kiếm được, có hôm không may, thức cả đêm cũng chẳng kiếm được cuốc nào, hôm sau lại phải mất cả buổi sáng để ngủ bù” Thi chi sẻ.

Hoặc những khi trời mưa gió, nếu chịu khó sẽ chạy được nhiều khách hơn vì theo kinh nghiệm của Thi, cánh xe ôm cao tuổi thường sẽ nghỉ, người dân cũng sẵn sàng chi vài chục đi xe ôm về cho nhanh.

“Tuy vậy, làm cái nghề này cũng phải đối mặt với không ít nguy hiểm, việc bị côn đồ chặn cướp xe, tiền cũng không phải hiếm. Hay như, để có thêm thu nhập ổn định phải chấp nhận làm “lái xe riêng” cho một số gái gọi, khi cần đi họ sẽ gọi cho mình, cũng chẳng lấy gì làm thích thú, nhưng vì mưu sinh cả thôi…”, Thi chua xót.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại bến xe Mỹ Đình, ngoài Nguyễn Đình Thi còn có hai xế ôm sinh viên nữa cũng đang hành nghề ở đây.

Chùi nhà vệ sinh bằng bùi nhùi sắt

Mới nghe ai cũng nghĩ nó nhàn hạ, nhưng có tìm hiểu mới biết, đằng sau đó ẩn chứa không ít điều xót xa. Sau vài ngày lang thang tìm việc, Cao Đức Minh (sinh viên năm thứ nhất khoa Xã hội học, ĐH KHXH&NV HN) xin được vào làm nhân viên cho một quán cơm ở phố Vũ Hữu.

 

Lúc đến tuyển mình rất háo hức vì chủ quán hứa: “Ưu tiên em là sinh viên, nên công việc chính chỉ là bưng bê, với mức lương 800 ngàn đồng/tháng, cơm ăn ba bữa, sẽ tăng lương nếu em làm tốt…”.

Ngày làm công của Minh bắt đầu từ 7 giờ 30 đến 9 giờ tối. Dù cậu được tuyển vào làm với nhiệm vụ là bồi bàn, nhưng “vào đấy mình bị họ sai đủ thứ việc, từ rửa bát đến nhặt rau, khổ nhất là cứ vào cuối ngày bị bà chủ bắt đi lau chùi nhà vệ sinh bằng… bùi nhùi sắt chuyên dùng cọ nồi.

 

Chẳng biết họ “thử thách” mình thật, hay là cố tình làm vậy để mình không chịu đựng được mà bỏ việc không lương. Cứ thế này không biết có trụ nổi đến hết tháng được không?”, Minh lắc đầu ngao ngán.

 

 

Lê Hữu Việt
Theo Bee.net