1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng

Trí Thành

(Dân trí) - Dù cả làng bỏ nghề, chuyển sang tạc tượng để kiếm tiền nhưng ông Bản vẫn gắn bó với công việc làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ suốt 42 năm qua.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 1

Ông Bản đã có 42 năm làm nghề đục khuôn bánh trung thu, hiện là người duy nhất ở làng Thượng Cung giữ nghề.

Chúng tôi tìm ra xưởng nhà ông Trần Văn Bản ở thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội khá dễ dàng, bởi dọc tuyến đường chính vào làng chỉ có gia đình ông đục khuôn bánh trung thu. Những ngày này, khuôn bánh được trưng bày ra tận mặt đường.

Ông Bản năm nay gần 60 tuổi, đã có 42 năm tay dùi tay đục. Ông cho biết, gia đình ông trước kia không có truyền thống làm nghề mộc. Lớn lên, ông theo bạn bè học nghề từ các cụ trong làng và rồi bén duyên với "chuyên ngành" đục khuôn bánh.

Ông kể thêm, những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, làng Thượng Cung cũng có nhiều hộ đục khuôn bánh Trung thu, bởi vì ngày đó bánh Trung thu hoàn toàn được làm thủ công. Rồi sau đó, khuôn nhựa xuất hiện, bánh Trung thu được sản xuất đại trà trên dây chuyền công nghiệp nên người thợ đục khuôn gỗ chuyển sang đục những thứ khác, tiêu biểu là các loại tượng trưng bày.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 2

Gian trưng bày khuôn bánh trung thu của gia đình ông Bản.

Bản thân ông cũng đã từng nghĩ sẽ bỏ đục khuôn sang đục tượng, nhưng bằng sức hút vô hình nào đó, mỗi dịp tết Trung thu đến gần, ông lại say sưa đục, sáng chế những khuôn bánh mới.

"Khuôn nhựa rất tiện lợi và rẻ, đó là ưu điểm không thể phủ nhận. Tuy nhiên, khuôn nhựa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như khuôn gỗ được. Những loại gỗ chúng tôi dùng đục khuôn là gỗ xà cừ và gỗ thị, rất an toàn và sạch sẽ. Ngoài ra, bánh làm từ khuôn gỗ còn có mùi thơm dịu nhẹ của gỗ", ông Bản cho biết.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 3

Ông Bản đục theo bản vẽ từng chi tiết tỉ mỉ, ông cho biết nếu đục sai một chi tiết coi như khuôn bánh đó đã hỏng.

Ông Bản đúc kết về cái nghề "chẳng ai muốn làm", để biến một khúc gỗ thành khuôn bánh hoàn chỉnh cần phải trải qua nhiều công đoạn, rất tỉ mỉ, như chọn gỗ, xẻ gỗ, cắt phôi, kẻ mực, ngâm mỡ… rồi mới đục. Khuôn bánh làm như vậy mới đẹp, bền và không bị dính bánh. Độ bền của khuôn thì khỏi bàn, một chiếc khuôn bánh có thể dùng tới vài chục, thậm chí cả trăm năm nếu như được bảo quản tốt.

Trước kia, ông Bản thường đục theo các mẫu truyền thống như cá chép, bông sen, đôi cá chép trông trăng… nhưng một số năm gần đây, để bắt kịp xu thế thị trường, ông đã sáng tác thêm nhiều mẫu mới như linh vật, hình trái tim, các loại hoa quả… Ngoài ra, khách hàng có thể tự thiết kế mẫu và gửi hình ảnh cho ông qua mạng, rồi ông sẽ đục theo yêu cầu của khách hàng.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 4

Mẫu bánh trung thu cá chép là mẫu khuôn bánh phổ biến nhất, ông Bản chỉ mất 3 giờ đồng hồ là có thể đục xong.

Mấy chục năm bám nghề, giữ nghề, trên hết là tình yêu với nghề và với văn hóa truyền thống của người Việt, ông Bản gọi đó là duyên nợ đã "bện" vào mình. Bởi đã có lúc việc bám nghề rất khó khăn, ít khách đặt hàng, tưởng chừng như phải bỏ, nhưng ông vẫn cố gắng duy trì, chống chọi với cơn lốc đồ nhựa…

Khi được hỏi đây có phải nghề "làm một mùa ăn cả năm", ông vội xua tay, lắc đầu: "Nghề này tôi làm quanh năm chẳng lúc nào nghỉ. Dĩ nhiên, mùa Trung thu thì đắt hàng hơn cả. Thường gia đình tôi sẽ bán được từ 200 - 300 khuôn mỗi mùa, giá dao động từ 150 - 500 nghìn đồng, tùy kích cỡ". 

Có năm cao điểm, huy động cả gia đình ông cùng đục cũng thu được gần trăm triệu đồng. Qua mùa, ông lại đục khuôn xôi, khuôn oản.

Ông Bản kể về lần nhận được đơn hàng là một khuôn bánh rộng tới 2 mét, hoa văn cầu kỳ, phải huy động thêm anh em tới làm cùng trong hơn 1 tháng, bán được hơn 30 triệu đồng. Đó là chiếc khuôn lớn nhất mà ông từng làm.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 5

Những chiếc đục đã theo ông Bản từ ngày mới vào nghề đến nay, phần tay cầm đã nhuốm màu thời gian.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến tết Trung thu, ông Bản miệt mài làm ngày làm đêm để kịp các đơn hàng. Mỗi ngày, ông đều dậy từh sáng, tay dùi tay đục đến 20h tối mới nghỉ. Ông bảo, tuy đục khuôn bánh lợi nhuận không cao như đục tượng nhưng ông yêu thích công việc này và sẽ cố gắng gìn giữ đến khi còn sức khỏe.

May thay, vợ và các con ông Bản đều có thể đục thành thạo khuôn bánh. Ông Bản hy vọng các con, cháu sẽ tiếp nối nghề của ông, gìn giữ và truyền lại cho đời sau, vừa là một sinh kế vừa góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân gian.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 6

Phía trên cùng ông Bản treo những khuôn bánh lớn, cầu kỳ mà khách hàng đặt hàng riêng.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 7

Một chiếc khuôn bánh chạm khắc hình cá chép và hoa sen giống như bức tranh rất đẹp mắt.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 8

Những chiếc khuôn bánh hình linh thú rất độc đáo và bắt kịp xu thế, thị hiếu của khách hàng.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 9

Một chiếc khuôn bánh hình con rùa trông khá ngộ nghĩnh.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 10

Một khuôn bánh hình trái tim.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 11

Khuôn bánh cá chép đã hoàn thiện với độ bóng mịn rất cao, đặc biệt khuôn gỗ không bị dính bánh, giữ nguyên được đường nét in trên bánh.

Nghệ nhân làm khuôn bánh trung thu rộng 2m vào mùa kiếm trăm triệu đồng - 12

Ông Bản mong muốn con cháu sẽ tiếp nối nghề làm khuôn bánh trung thu của gia đình.

Nghệ nhân cuối cùng làm khuôn bánh trung thu bằng gỗ, kiếm trăm triệu đồng