Nghề mới, nghề đặc thù: Thiếu trầm trọng!

Hàng vạn lao động trẻ đã đến tìm cơ hội việc làm tại Hội chợ Lao động - Việc làm tại Thị xã Hà Đông (Hà Tây) tuần qua. Nhưng hơn 40 doanh nghiệp và các nhà tuyển dụng đã chỉ tuyển được 200 trên tổng số 10.800 lao động cần tuyển...

Không đào tạo, lấy đâu ra?

Trong suốt 6 ngày diễn ra hội chợ, anh Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự, công ty Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Văn Minh đã cực kỳ thất vọng vì chỉ nhận được 8 bộ hồ sơ xin việc tại chỗ trong khi số lao động cần tuyển là hơn 300 người.

Theo anh Tuấn thì trong 8 bộ hồ sơ ấy, đa số cũng chỉ là lao động phổ thông, trong khi, anh hi vọng trong hội chợ lần này là tuyển chọn được những vị trí ở những ngành đặc thù của công ty .

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều DN và nhà tuyển dụng trong hội chợ. Đa số họ đều thừa nhận một thực trạng: các DN đang cực kỳ thiếu lao động ở những ngành nghề mới và mang đặc thù riêng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình. Những ngành nghề mới như: nhân viên thị trường chứng khoán, trang điểm hóa trang, tạo mẫu tóc, quản lý dịch vụ thể thao, lao động thủ công mỹ nghệ... hầu như rất ít (nếu không muốn nói là cực kỳ hiếm) lao động tham gia.

Hoặc nếu có thì hầu hết cũng không đáp ứng được yêu cầu về trình độ. Nguyên nhân chính gây ra cuộc "khủng hoảng thiếu" này là do không có trường đào tạo nghề mới đáp ứng nhu cầu DN, đặc biệt là những DN trẻ có xu hướng kinh doanh mới.

Tại hội chợ, không chỉ những ngành nghề trên mà với những nghề không quá mới như: nhân viên marketing, P.R... nhiều DN cũng phải mỏi mắt tìm kiếm. Tổng kết lại, trong tổng số 1.600 vị trí thuộc các ngành nghề kể mới như trên, các DN chỉ tuyển được khoảng 30 người (khoảng 1,8%), một con số quá nhỏ so với nhu cầu của DN.

Vị trí cao: cũng khó tuyển

Không chỉ khó tuyển nhân lực trong các ngành nghề mới, nhiều DN cũng cảm thất "thất bát" khi tham gia hội chợ vì hầu như không thấy một ứng cử viên nào cho các vị trí "cao cấp". Không ít nhà tuyển dụng đã đặt cơ hội tuyển những vị trí cao cho công ty mình tại hội chợ lần này như các vị trí: Giám đốc điều hành, giàm đốc quản lý, trợ lý giám đốc hay trưởng - phó phòng... Và tất nhiên, nhiều DN phải thất vọng ra về sau khi "đỏ mắt" chờ người đến tuyển.

Thất vọng hơn nữa là nhiều ứng cử viên hoàn toàn có năng lực đảm nhận vị trí nhưng "hãi" không dám dự tuyển vì sợ vấp ngã khi thực hiện công việc. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty Sông Đà buồn rầu: "Có SV ĐH Kinh tế tốt nghiệp bằng giỏi đến dự tuyển tại hội chợ chỉ dám xin làm nhân viên Phòng kinh doanh, trong khi năng lực và chuyên môn đào tạo có thể đảm nhận vị trí Giám đốc vùng hay Trưởng phòng kinh doanh. Các bạn trẻ không thể cứ thiếu tự tin như thế!".

Giải quyết bằng mô hình đào tạo mới?

Trong một cuộc tiếp xúc gần đây với PGS.TS Hà Xuân Quang, phó hiệu trưởng trường CĐ Công nghiệp HN, ông cho rằng: "Để giải quyết tình trạng thiếu trầm trọng lao động trong những ngành nghề mới như trên thì cần có những thay đổi trong cách đào tạo, chương trình đào tạo và đặc biệt cần có một mô hình mới trong quan hệ giữa nhà tuyển dụng và trường đào tạo". Mô hình mới mà ông đưa ra là mô hình liên kết: "DN - Nhà trường - DN".

Nghĩa là khi DN có nhu cầu về lao động trong ngành nghề mới thì sẽ đăng ký với nhà trường để đào tạo, sau khi đào tạo xong thì trả lại cho DN sử dụng, nói một cách khác là nhà trường sẽ đào tạo theo "đơn đặt hàng" của DN theo đúng số lượng và chất lượng. Như thế, vừa giải quyết được tình trạng thất nghiệp tràn lan trong khi vẫn thiếu lao động trong nhiều ngành.

Tuy nhiên, cái khó của mô hình này là: "Đào tạo theo số lượng của DN và nhà tuyển dụng thì nhà trường bị phụ thuộc vào họ; thứ hai là khi hết nhu cầu thì cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thuộc ngành này thì nhà trường sẽ giải quyết như thế nào; thứ ba là trước đó đội ngũ giáo viên những ngành mới thì lấy đâu ra khi mà thợ chưa có thì lấy đâu ra thầy?" - Một chuyên viên của Bộ GD - ĐT đặt câu hỏi.

Trước khi đưa ra câu trả lời thì các DN và người tiêu dùng thường khuyên các bạn trẻ: "Hãy chủ động đưa ra quyết định học gì và làm gì khi xã hội có nhu cầu chính đáng!" - như ông Nguyễn Kim Hoàn, Trưởng phòng Tài chính - Lao động của công ty xuất khẩu Thanh Trì, khẳng định.

Theo Sinh Viên Việt Nam