Nghề mổ xác tàu

Chẳng ai ngờ cái nghề “mổ tàu” lại phất nhanh vậy, đến nỗi dân Hải Phòng vẫn đồn thổi chẳng nghề nào chóng giàu bằng nghề mổ tàu, chỉ chặt phá dăm ba tháng là kiếm bạc tỷ trong tay.

Con tàu cũ to ngồn ngộn choán gần hết bờ của khu đất rộng hơn 5.000m2 nằm ven con sông Cấm. Nó vừa được Tiếp, một “trùm” chuyên mua bán, phá dỡ tàu cũ ở đất Hải Phòng, kéo về từ hơn một tuần nay để “chặt” ra thành từng khúc đem bán sắt vụn.

Trước khi kết thúc số phận tại “lò mổ” của Tiếp, con tàu này đang được gia cố lại khung, sườn để chạy tiếp. Chi phí tu sửa phát sinh quá lớn, chủ tàu đành “bỏ của chạy lấy người”, bán cho lò mổ của Tiếp.

Giữa cái nắng như rót lửa, gần 20 công nhân vẫn miệt mài “xẻ thịt” con tàu lấy tôn tấm, xương tàu (khung tàu bằng thép), sắt vụn… bằng đèn khò ga, máy cắt kim loại và cần cẩu. Tiếng xoèn xoẹt, uỳnh uỳnh, chan chát phát ra náo loạn cả một khúc sông.

Thi thoảng, một vài ông khách lại tấp vào bãi xem còn những thứ nào có thể mua lại được từ con tàu cũ. Tiếng tăm “xẻ thịt” tàu cũ của Tiếp khá nổi, bởi vậy khách hàng từ khắp nơi vẫn tự tìm tới tận bãi mua.

Thông thường sắt vụn xẻ từ tàu được Tiếp bán lại cho các nhà máy thép trong nước với giá 5-6 nghìn đồng/kg, riêng tôn tấm đẹp thì bán 7-8 nghìn đồng/kg cho dân làm sắt Đa Hội (Bắc Ninh) mua về tút lại làm tôn mới.

Hệ thống máy móc cũng là một trong những thứ đáng giá của con tàu cũ. Chính con máy Đức còn khá tốt của chiếc tàu đang xẻ thịt đã được khách trả gần 200 triệu đồng nhưng Tiếp vẫn chưa đồng ý bán.

Ngoài sắt vụn và máy móc, còn có hàng nghìn thứ có thể tận dụng và bán được từ con tàu cũ: máy lạnh, bồn vệ sinh, tủ cá nhân, hệ thống phao cứu sinh…, thậm chí cả đống dây thừng neo tàu nát bươm tưởng đã bỏ đi.

Tiếp bảo: “Tàu lên “bàn mổ” rồi thì chẳng có cái gì vứt đi cả, người ta mua hết. Quanh đây có cả một hệ thống những đại lý chuyên thu mua đồ đạc trên tàu cũ”.

Bãi dỡ tàu của Tiếp chỉ là một trong hàng chục “lò mổ” tàu nằm rải dọc đường 5, đoạn cửa ngõ vào nội thành Hải Phòng. Nơi đây từ lâu đã trở thành một trung tâm “mổ xác tàu” có quy mô lớn ở VN.

Tính trung bình cứ một con tàu trọng tải 6-10 nghìn tấn khi được phá dỡ sẽ tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động trực tiếp trong khoảng thời gian 5-6 tháng. Vào lúc cao điểm, bãi nào cũng có tàu “chặt”, công trường mổ xác tàu khổng lồ này có thể tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Chạy một vòng dọc các bãi phá dỡ tàu cũ bên bờ con sông Cấm từ địa phận chân cầu Bính cho đến cảng Vật Cách (thành phố Hải Phòng), Tiếp giới thiệu một loạt những bãi dỡ tàu cũ treo biển công ty trách nhiệm hữu hạn với những cái tên khá mượt mà như: Vĩnh Thắng, Duy Linh, Nam Ninh, My Phương, Bến Nức...; kèm theo đó là hàng chục đại lý “thượng vàng hạ cám” ăn theo nghề dỡ tàu cũ, từ đại lý buôn bán thiết bị, máy móc cho đến những “văn phòng” thu gom sắt vụn... Bãi nào cũng ngồn ngộn sắt thép, vật tư, thiết bị tháo từ tàu cũ vẫn chưa kịp thanh lý.

Dân Hải Phòng bảo rằng đây là cái nghề “tay không bắt giặc” mà lại chóng giàu, bởi vốn đầu tư cho nghề này chỉ cần vài trăm triệu đồng để thuê mặt bằng, mua sắm thiết bị... Tiền mua tàu thì vay vốn lưu động chỉ cần vài tháng là hoàn trả ngay được cả vốn lẫn lãi, trong khi đó tiền lời thu về thì thật đáng kể.

Cách đây hơn bốn năm, Tiếp chỉ là một cử nhân kinh tế thất nghiệp, lang thang hết cơ quan này đến cơ quan khác, sau bập vào nghề mổ tàu. Mất vài năm lăn lộn thương trường, vớ bẫm một số vụ, giờ thì Tiếp đã là một giám đốc doanh nghiệp mổ tàu cỡ bự.

Gần đây dân mổ tàu Hải Phòng đang xôn xao chiếc casino nổi còn mới nguyên, nặng khoảng 3.000 tấn, nguồn gốc Singapore được một công ty mổ tàu tại đây kéo về với cái giá hơn triệu USD.

Tiện nghi và hoành tráng không kém những khách sạn hàng sao trên bờ, chiếc casino đã được một đại gia trong TP HCM nhập về với mục đích ban đầu là làm sòng bạc với giá hơn 320 tỷ đồng, nhưng cũng đành phải bán lại cho dân mổ tàu xẻ thành sắt vụn vì chưa có quy định nào tại VN cho phép được mở casino nổi.

Mặc dù phải mua với giá phá dỡ khá “chát”, song giới mổ tàu cũng vẫn khẳng định chắc chắn phi vụ này thắng to vì hai cái lãi trông thấy từ chiếc casino, đó là tiện nghi đi kèm và bộ khung xương có thể sử dụng lại để đóng mới một con tàu khác. Đây cũng chính là một trong những “kỹ nghệ” sinh lãi trong ngành “chặt” tàu.

Bởi khi mua tàu về “xẻ”, dân mổ tàu đều trả với mức giá hiện nay là 220-230 USD/tấn LDT (trọng lượng tàu rỗng) bất kể đó là loại tàu gì, tức một con tàu nặng khoảng 1.000 tấn thép thì có mức giá 220- 230 nghìn USD. Do vậy cái lãi dễ trông thấy nhất chính là hệ thống tiện nghi, đồ đạc còn sót lại trên tàu. Dòng tàu càng tiện nghi thì càng lãi…

Giới mổ tàu phân nguồn tàu làm hai dòng: tàu “nội” và tàu “ngoại”. Đặc điểm của tàu ngoại là đã kinh qua hệ thống đăng kiểm với những qui định chặt chẽ, do vậy khi chạy hết đát đến hạn phá dỡ, dòng tàu này vẫn đạt tỷ lệ khấu hao nhỏ, tôn dày, thép đóng tàu chất lượng tốt. Vớ được loại tàu này là ăn dày.

Còn dòng tàu nội thường nhỏ, cũ, lượng thép hao hụt lớn (có tàu lên tới 50%). Nếu như với dòng tàu ngoại dân mổ tàu chỉ cần xem hồ sơ, cân đối giá chào là có thể quyết mua hay không.

Ngược lại dân mổ tàu lại rất ngán khi gặp phải tàu nội bởi không mấy tin tưởng vào hồ sơ đăng kiểm. Tiếp cho biết gặp loại tàu nội cứ phải nhìn tận mắt, sờ tận tay mới dám quyết.

Đã có trường hợp một tay mổ tàu mới vào nghề ở Hải Phòng phải chịu lỗ nặng khi kéo về một con tàu nội ngoài mặt thì phủ sơn bóng bẩy nhưng rã ra mới biết nó đã trải qua nhiều lần “lên đà” (gia cố lại) bằng loại tôn mỏng hơn so với qui định thông thường, khung thép thì đã quá mục…

Theo Tuổi Trẻ