Nghề "làm một ngày ăn cả năm" ở Sa Huỳnh được công nhận di sản văn hóa
(Dân trí) - Nghề làm muối ở Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ngày 14/12, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nghề làm muối Sa Huỳnh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm muối ở Sa Huỳnh là loại hình nghề thủ công truyền thống đặc sắc của Quảng Ngãi. Nghề này thể hiện bản sắc cộng đồng, tính trao truyền qua nhiều thế hệ và được cư dân Sa Huỳnh cam kết bảo vệ.
Nghề làm muối ở Sa Huỳnh hình thành từ hàng trăm năm trước. Diêm dân Sa Huỳnh sản xuất muối theo phương pháp thủ công là phơi nước phân tán, kết tinh trên nền đất truyền thống.
Mùa làm muối ở Sa Huỳnh thường bắt đầu vào tháng Giêng kéo dài đến tháng 7 âm lịch hàng năm.
Đồng muối Sa Huỳnh có tổng diện tích hơn 100ha với hơn 560 hộ diêm dân. Mỗi năm đồng muối Sa Huỳnh cung cấp 6.500-7.000 tấn muối.
Cũng tại Sa Huỳnh, các nhà nghiên cứu đã phát hiện phương pháp làm muối trên đá có niên đại khoảng 2.000 năm. Khu vực này rộng khoảng 10ha.
Người Sa Huỳnh cổ tận dụng nền đá cùng nguồn nước biển sẵn có để làm muối sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Khi triều cường, nước biển chảy vào các hồ chứa tự nhiên bên bờ biển. Ánh nắng làm cho nước trong hồ bốc hơi, tăng độ mặn của phần nước còn lại.
Người Sa Huỳnh cổ lấy nước trong hồ chứa đổ vào ruộng muối. Ruộng muối là các ô nhỏ trên mặt đá, vốn là những chỗ trũng tự nhiên hoặc được người dân dùng đất sét be bờ mà thành. Khoảng 3 ngày sau, nước biển trong các ô đá bốc hơi kết tinh tạo ra muối trắng.