1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt

Xuân Hinh Phương Nhi

(Dân trí) - Đã bao đêm Giao thừa, những nhân viên gác chắn đường ngang tại TPHCM cố nén nỗi nhớ nhà, lặng lẽ "hộ tống" những chuyến tàu đi đến nơi, về đến chốn.

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt

Gác tàu trắng đêm, xuyên Tết 

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 1

Đã 12 năm anh Tùng đón Tết ở đường tàu. Năm nay, thêm dịch bệnh phức tạp, thiếu nhân lực gác tàu, anh Tùng tiếp tục ở lại TPHCM làm việc.

Những ngày cuối năm, như thường lệ, những chuyến tàu ngược xuôi Nam Bắc tập nập ngày đêm, đưa từng dòng người con xa xứ về quê hương, sau một năm làm lụng vất vả. Dõi theo từng đoàn tàu lướt qua, những người gác chắn đường ngang tại TPHCM ứa nước mắt vì nỗi nhớ nhà. 

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 2

Nhìn những chuyến tàu vội vã rời ga ngày Tết, anh Tùng đôi khi cũng chạnh lòng.

Đã 12 mùa xuân, anh Nguyễn Văn Tùng (36 tuổi) đón Giao thừa ở trạm gác Huỳnh Văn Bánh (Quận Phú Nhuận). Mấy năm đầu ăn Tết xa quê, vừa kéo thanh chắn ngăn xe qua lại, người đàn ông gốc Hà Tĩnh vừa sụt sùi, rơi nước mắt. "Cảm giác lúc đó trống vắng kinh khủng!", anh Tùng trải lòng.

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 3

Tết là thời điểm nhân viên gác tàu tất bật với công việc hơn bao giờ hết.

Những cái Tết xa nhà cứ thế lặp lại hơn chục năm nay, anh cũng dần quen và vơi buồn đôi chút. Xuân này, dù có khả năng kinh tế để về thăm quê nhưng thấy dịch bệnh còn phức tạp và đang thiếu nhân lực gác tàu, anh Tùng đành ở lại tiếp tục với công việc. 

Những ngày giáp Tết, ngành đường sắt đã tăng cường thêm nhiều chuyến tàu để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Tuy số lượng tàu chạy không bằng mọi năm vì ảnh hưởng của dịch bệnh, anh Tùng cho biết, mỗi ngày vẫn thường lên đến hơn 20 chuyến. Vì thế, trong lúc mọi người vui xuân, nghỉ ngơi sau một năm "cày cuốc", các nhân viên gác chắn lại tất bật với công việc hơn bao giờ hết. 

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 4

Anh Tùng phải thường xuyên nhắc nhở người dân không được đến gần đường ray khi tàu đi qua.

Khi có đoàn tàu sắp chạy qua, anh Tùng nhanh chóng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho phương tiện lưu thông qua lại. "Tàu chạy thâu đêm, xuyên Tết và những người gác chắn như chúng tôi phải thức trắng, tập trung cao độ bởi chỉ một chút sơ sẩy cũng có thể dẫn đến tai họa bất ngờ", anh nói.

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 5

Những người gác chắn phải tập trung cao độ để bảo an toàn cho tàu và người tham gia giao thông.

Tuyến đường Huỳnh Văn Bánh nơi anh Tùng gác chắn có mật độ xe cộ lưu thông khá đông đúc. Đã không ít lần anh chứng kiến những sự cố đáng tiếc giữa tàu hỏa với các phương tiện đường bộ, người đi đường. Cách đây không lâu, lại có người nửa đêm say xỉn, "bay" ra đường ray lúc tàu chạy ngang…

"Những sự cố luôn khiến tôi đau lòng, nhưng đã làm lâu năm, va chạm nhiều nên buộc phải quen dần. Có trường hợp nhân viên mới chứng kiến cảnh đó rồi không dám làm tiếp vì sợ và sốc tâm lý", anh kể. Thế nên khi làm nhiệm vụ tại đây, anh và đồng nghiệp đều nhắc nhau cẩn thận, luôn đề cao tinh thần trách nhiệm khi trực gác.

Lủi thủi bên đường ray đêm Giao thừa

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 6

16 năm nay chị Thoại đều đón Tết xa quê.

Chung nỗi niềm với anh Tùng, 16 năm nay, chị Nguyễn Minh Thoại (37 tuổi), nữ công nhân ở trạm gác Nguyễn Trọng Tuyển (Quận Phú Nhuận) chẳng nhớ nổi cảm giác đón Tết cùng gia đình ra sao. 

Những đêm Giao thừa, chị lủi thủi ghi chép nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang, cẩn thận quan sát đường ray, đợi tàu lăn bánh cho tới khi rời khỏi địa phận quản lý. Biết đâu, chuyến tàu nào đó dừng chân ở Nghệ An quê chị, mang theo bao nỗi niềm của một người con mưu sinh xa xứ.

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 7

Những đêm Giao thừa, chị lủi thủi ghi chép nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang.

Chị Thoại tâm sự: "Cái Tết đầu tiên ở đây buồn lắm, nhưng đã xác định làm nghề này phải chấp nhận". Cả những năm gần đây, khi đã lập gia đình, chị vẫn đón Tết một mình ở trạm gác. Con nhỏ 10 tuổi của chị theo bố về quê nội ở Đồng Tháp đón Tết từ 27 tháng Chạp.

Chị kể, vì ngày xưa ở quê quá khó khăn, chị vào Nam làm gác tàu, mang theo hy vọng về một cuộc sống ổn định hơn. Với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng tùy theo số ca trực, chị cảm thấy khá hài lòng, tuy không dư giả nhưng vừa đủ lo sinh hoạt gia đình và chuyện học hành của con cái.

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 8

Những cái Tết xa nhà là thời điểm chạnh lòng nhất với người gác tàu.

Là một người phụ nữ, để hoàn thành tốt công việc áp lực cao như gác chắn tàu không hề dễ dàng. "Đôi khi, những người say liên tục làm phiền, những thanh niên bất chấp quy định, bất chấp nguy hiểm vượt qua đường hay đơn giản là những xe tuýt còi liên tục đòi mở rào chắn. Tôi không thể gằn giọng, lớn tiếng như đàn ông nhưng luôn cố hết sức khuyên ngăn người lưu thông để đảm bảo an toàn cho họ và chính mình", chị Thoại trải lòng.

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 9

Hàng chục năm trước, nhiều người vào TPHCM gác tàu với hy vọng về một cuộc sống ổn định hơn.

Theo chị, dù đến với nghề vì hoàn cảnh đẩy đưa nhưng nữ công nhân gác chắn đã gắn bó với đường ray đến giờ, cũng là có cái duyên, cái nợ. Vì thế, chị cùng bao công nhân gác chắn khác luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ tại chốt, chung sức "hộ tống" các chuyến tàu đi đến nơi, về đến chốn. 

Nghề không ngủ, không Tết vì sứ mệnh đặc biệt - 10

Những người gác tàu luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, bất kể ngày đêm, mưa nắng. Với họ, đây là sứ mệnh đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu và người đi đường.

Dù mưa hay nắng, ngày hay đêm, bất kể lễ Tết, cứ hễ có ca trực là họ lại miệt mài với công việc. Với những người gác tàu, đây không chỉ là công ăn việc làm mà còn là một sứ mệnh.