Nghề "cứu"... giày dép cũ
(Dân trí) - Những đôi dày dép cũ của mọi người không chỉ là công ăn việc làm với chú Sang mà còn giúp chú thăng hoa với khả năng của mình.
"Hô biến" giày dép cũ
Ngồi ở vị trí khá khuất tầm mắt, chỉ với diện tích rất nhỏ ở bên vỉa hè trên đường Kha Vạn Cân, Linh Đông, Thủ Đức, TPHCM, tiệm sửa giày dép của của chú Trần Văn Sang được rất nhiều người biến đến.
Gọi là tiệm chứ thật ra, nơi đây chỉ có một cái thùng gỗ đựng đồ nghề, vài ba đôi giày cũ treo lủng lẳng bên vỉa hè để mọi người "nhận diện", thêm một vài cái ghế nhựa cho khách.
Gọn ghẽ vậy nhưng nơi đây, người ra vào liên tục. Có bà mẹ xách cả bao tải gần 20 đôi giày, dép của cả nhà mang đến sửa: Đôi thì bị bong keo, đôi bị đứt quai, đôi bị mòn đế gom lại.
Có ông bố, cầm đôi dép đi học của con nhờ sửa lại. Có người đang đi đường giày bị hỏng. Cũng có người đưa giày dép mới cong ra nhờ dán, khâu lại cho chắc ăn...
Chú Sang cho hay, sửa giày dép không có một giá cụ thể nào, tùy kích cỡ, tình trạng, yêu cầu. Tuy nhiên, mức giá sửa giày dép không hề thấp, chỉ riêng dán ở mức đơn giản nhất cũng đã 30.000 - 40.000 đồng, chưa kể khâu, sửa, thay đế sẽ có giá cao hơn, có thể lên đến cả trăm nghìn.
Mức giá này còn là ở vùng ngoại ô, đi vào trong thành phố, giá sửa giày dép còn cao hơn nữa. Ngoài ra cũng còn tùy thuộc vào loại keo, chỉ và độ khéo léo của người sửa. Keo dán bình thường với keo dán chất lượng, mức giá đã khác nhau rất nhiều.
Tại đây, đôi nào chú đã nhận sửa là dám bảo hành trọn đời sản phẩm. Không chỉ người dân quanh đây mà nhiều người ở trong phố cũng xách giày tìm đến chú nhờ sửa.
"Tôi cũng không nhận bừa, tiền sửa không hề rẻ, nên nhiều khách mang giày dép ra sửa, tôi trả không nhận. Hoặc yêu cầu khách cân nhắc kỹ vì có khi tiền giày không đáng tiền sửa", chú Sang bộc bạch.
Không chỉ sửa giày dép, có khi công việc này là... "cứu" giày dép cũ. Có những người, xách đôi giày cũ lắm rồi, sửa cũng không mang nổi nữa nhưng bao nhiêu tiền họ cũng sửa.
Hóa ra, với họ đó là món quà gắn liền với kỷ niệm, với bố mẹ, với một người bạn hay một mối tình nào đó. Đôi giày khi đó không phải để đi mà để lưu giữ những ký ức.
Nghề không lo thất nghiệp
Cách đây nhiều năm, vợ chồng chú làm ăn thua lỗ. Một lần, đến nhà người quen chơi, chú tò mò khi thấy bác này ngồi sửa giày dép nên cũng thò tay vào thử. Bác kia phán ngay: "Mày có khả năng may giày đấy!".
Thế là chú học việc, thử việc rồi... mở tiệm sửa giày dép dọc đường.
Qua công việc này, chú nhìn rõ được sự chênh lệch giàu nghèo. Có người sở hữu hàng trăm đôi giày, toàn tiền triệu. Cũng có người, đến một đôi giày cũ rẻ tiền, tiền sửa cũng không có.
Chú gặp nhiều đứa trẻ hay cô cậu học trò, cô bán hàng rong, cô buôn đồng nát... xách đôi giày, đôi dép tả tơi đến sửa. Đôi giày không đáng bao nhiêu, tiền sửa họ cũng phải đong đếm từng đồng.
Có đôi, còn khắc phục được, chú sửa không lấy tiền. Đôi nào không sửa được, chú lại lục trong "hàng lưu kho" của mình, xem có đôi nào
Nhiều người mang giày dép đến sửa nhưng có khi hàng tháng, hàng năm không quay lại lấy. Để lâu quá, chú Sang cho vào "hàng tồn", để tặng lại khi gặp ai đó có nhu cầu.
vừa không sẽ đem tặng lại.
Mỗi ngày, nếu làm việc tập trung, chú sửa được 6 - 8 đôi. Theo chú Sang, chú đã lớn tuổi, con cái đều đã có gia đình, việc làm nên không quá bị áp lực về tiền bạc. Công việc này giúp vợ chồng chú thoải mái chi tiêu, sinh hoạt.
Nói giàu bằng công việc này thì khó nhưng có điều, theo chú, chẳng bao giờ lo không có việc để làm. Khi nào con người còn đi giày dép, thì không lo thất nghiệp.
Chú Sang cho hay, sửa giày như là một bộ môn nghệ thuật. Công việc này nhìn tưởng là đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận. Tâm trạng phải vui vẻ, phải thoải mái mới làm được, còn không... sửa xong mình còn không muốn nhìn, nói gì đến khách.
Có những đôi giày hàng hiệu, cả chục triệu đồng, khách yêu cầu cực kỳ khắt khe. Sửa nhưng không được để lại một chút dấu tích nào nên người làm phải có tay nghề, thật chú tâm, trật một chút có khi lợn lành thành lợn què.
Nhiều người tìm đến học việc được một thời gian là lắc đầu bỏ. "Làm gì cũng vậy, phải thấy sự thích thú, phải tìm thấy niềm vui trong công việc thì mới có thể theo nghề được", chú Sang chia sẻ.
Với chú, mỗi lần sửa xong một đôi giày, thấy khách đi vào vừa ý, chú vui cả ngày. Còn chưa hài lòng, chú chỉnh lại cho bằng được. Có khi, chú tháo bung cả đôi giày, mày mò cả buổi để khâu lại chỉ vì lệch một đường chỉ...