"Nghề Công tác xã hội: Cần thiết hình thành bộ luật chuyên ngành"
(Dân trí) - “Hoạt động từ thiện chủ yếu là “cho” - “nhận”, người được giúp đỡ thường thụ động tiếp nhận. Trong khi đó, về phương pháp, hoạt động công tác xã hội có nguyên tắc “tự giúp”, nhằm nâng cao năng lực tự giải quyết của đối tượng. Về lâu dài, việc ra đời Luật CTXH là rất cần thiết…”
MỜI QUÝ ĐỘC GIẢ ĐẶT CÂU HỎI GIAO LƯU TRỰC TUYẾN TẠI ĐÂY
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với PV Dân trí nhằm rõ hơn khái niệm về nghề công tác xã hội cũng như tính cấp thiết trong việc xây dựng hành lang pháp lý quy định chặt chẽ hơn về nghề công tác xã hội hiện nay.
Thưa ông, hoạt động từ thiện và công tác xã hội vừa có những điểm giống về đối tượng tác động nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt?
- Ở Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái, từ thiện, “lá lành đùm lá rách” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó, nhiều hoạt động là “manh nha” làm cơ sở cho phát triển công tác xã hội (CTXH).
Nhiều hoạt động đã xuất hiện ở nước ta rất sớm và có bản chất giống với CTXH như: Trợ giúp, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn do các cá nhân, tổ chức thực hiện như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ…
Về kết quả hoạt động, từ thiện thường giúp đối tượng giải quyết vấn đề tức thời nên kết quả nhiều khi không bền vững còn. Trong khi đó, công tác xã hội là hoạt động trực tiếp, tự giác và bền vững hơn nhiều. Việc trợ giúp đối tượng không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn trang bị những kiến thức, kỹ năng để có khả năng giải quyết vấn đề trong tương lai.
Chưa kể đội ngũ nhân lực làm công tác xã hội cũng được đào tạo bài bản về chuyên môn cũng như các quy chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
“Đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo CTXH chuyên nghiệp, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo nghiệp vụ” - ông Nguyễn Văn Hồi cho biết.
Trên thế giới, CTXH đã có quá trình phát triển hơn 100 năm. Công tác xã hội chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia. Tính đến nay, có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế; khoảng 100 quốc gia tham gia Hiệp hội đào tạo công tác xã hội thế giới...
Tại Việt Nam, nhu cầu tiếp cận các dịch vụ về CTXH ra sao thưa ông? Hiện nay đội ngũ nhân lực đáp ứng ra sao?
- Theo thống kê, số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 28% dân số, trong đó có 8,6 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma tuý, 22% gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau.
Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá về nghề Công tác xã hội tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề về tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ; hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội đối mặt với các vấn đề về ly thân, ly hôn, sao nhãng việc chăm sóc con cái, trẻ em bị xâm hại tình dục, bỏ nhà đi lang thang.
Trong khi đó, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Mạng lưới các cơ cung cấp dịch vụ CTXH mới hình thành ở ngành LĐ-TB&XH là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành y tế, giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế.
Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới chỉ được bước đầu được hình thành tại một số địa phương. Nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế.
Vậy hệ thống các quy phạm pháp luật về lĩnh vực Công tác xã hội tới nay đã phát triển ra sao? Lý do gì khiến cần hình thành Luật Công tác xã hội trong thời gian tới?
- Trong lĩnh vực CTXH, Chính phủ và nhiều cơ quan quản lý khác đã ban hành khoảng 20 nghị định, quyết định, thông tư Liên tịch, thông tư... Các văn bản quy phạm pháp luật này đã tạo tiền đề pháp lý quan trọng để các bộ, ngành, địa phương từng bước phát triển nghề công tác xã hội chuyên nghiệp tại Việt Nam.
Tuy nhiên về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CTXH còn nằm "rải rác" ở nhiều Luật, Bộ luật chuyên ngành như: Bộ Luật lao động; Luật Người cao tuổi; Luật Người khuyết tật; Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và nhiều chương trình…
Theo ông Nguyễn Văn Hồi, Việt Nam còn thiếu các quy định pháp lý về phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo CTXH theo chuẩn nghề nghiệp, hay quy định pháp luật về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề trong một số lĩnh vực chuyên biệt của CTXH.
Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý phát triển nghề CTXH chưa được hoàn chỉnh. Đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội chưa được xác định cụ thể trong một số bộ Luật, Luật liên quan như Bộ Luật Dân sự, Luật hôn nhân và gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em...;
Việc duy trì một hệ thống văn bản dưới luật đồ sộ, cồng kềnh, thậm chí mâu thuẫn sẽ dẫn tới hệ quá xã hội là khó có khả năng phổ biến pháp luật tới nhân dân.
Tình trạng này khiến chỉ những cán bộ chuyên trách về lĩnh vực công tác này mới nắm được các quy định. Đại đa số người dân và người chịu tác động của văn bản không có cơ hội và không có khả năng để nắm bắt đầy đủ các quy định chằng chịt, phức tạp của hệ thống hiện hành.
Từ thực tế trên, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp luật phù hợp ở tầm Luật, để điều chỉnh lĩnh vực công tác xã hội.
Qua đó nhằm giúp những người làm CTXH phát triển cả về chất lượng và số lượng, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp và CTXH phải trở thành một nghề đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.
Đồng thời góp phần quan trọng vào bảo đảm ổn định và phát triển bền vững đất nước, khắc phục cơ bản những vấn đề khó khăn, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về CTXH hiện nay; tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Xin cảm ơn ông.
Hội thảo - giao lưu trực tuyến: “Nghề Công tác xã hội: Hoàn thiện hành lang pháp lý tại Việt Nam”.
Chương trình do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Báo điện tử Dân trí tổ chức vào hồi 14h30 ngày 13/9 tại trụ sở Báo điện tử Dân trí.
Khách mời tham dự chương trình gồm:
- Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH).
- Bà Vũ Thị Lệ Thanh, Chuyên gia về Bảo vệ Trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).
- Bà Nguyễn Thị Thái Lan - Giảng viên Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội)
- Bà Nguyễn Thị Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp).
Chương trình là dịp để các chuyên gia bàn luận sâu hơn về các vấn đề của nghề Công tác xã hội, là dịp để dư luận xã hội, các cơ quan chức năng và bạn đọc có cách nhìn đồng thuận trong việc tìm ra những giải pháp hiệu quả xây dựng hành lang pháp lý của lĩnh vực công tác xã hội.
Trân trọng kính mời bạn đọc quan tâm về nghề công tác xã hội nói chung cũng như việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho nghề công tác xã hội tại Việt Nam, gửi câu hỏi TẠI ĐÂY hoặc theo địa chỉ email: hoangmanh@dantri.com.vn
Các câu hỏi sẽ được khách mời trả lời trực tiếp tại chương trình Giao lưu ngày 13/9.
Hoàng Mạnh thực hiện