1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Nghề” cổ động viên

Xuất hiện từ vài năm trở lại đây khi làn sóng game show bắt đầu tràn vào Việt Nam, “nghề” cổ động viên đang ngày càng trở thành một thứ “mốt” mới của giới trẻ.

Đúng 14 giờ ngày thứ Bảy hằng tuần, buổi ghi hình chương trình Trò chuyện cuối tuần mới chính thức bắt đầu nhưng từ 13 giờ 30, trường quay Đài Truyền hình TPHCM đã râm ran tiếng nói cười của một nhóm đông bạn trẻ.

Sau phần điểm danh để kịp thời bổ sung thêm người cho đủ số lượng theo yêu cầu của ban tổ chức (khoảng 40 khán giả/lần ghi hình), trong khi những người thực hiện chương trình bắt đầu lác đác xuất hiện, nhóm bạn này đã yên vị trên ghế, chỉnh trang y phục để xuất hiện trước máy quay trong bộ dạng thật đẹp. Chỉ ít phút nữa thôi, công việc của các diễn viên đặc biệt này bắt đầu.

 

Những khán giả đến sớm về muộn

 

Công việc của họ là chăm chú lắng nghe, đặt câu hỏi giúp buổi giao lưu thêm sinh động và vỗ tay thật nhiệt tình vào những lúc cần thiết (đã được người hướng dẫn “bỏ nhỏ” từ trước). Người phụ trách không cần phải hướng dẫn nhiều vì công việc này đã trở nên quen thuộc với cả nhóm từ nhiều tháng, kể từ khi chương trình Trò chuyện cuối tuần bắt đầu ra mắt. “Đến sớm về muộn” là tên gọi vui của họ dành cho công việc của mình.

 

Tại các chương trình ca nhạc, game show hay các buổi hội nghị khách hàng, giới thiệu sản phẩm mới, họ luôn là những người đến sớm nhất và về sau cùng. Không chỉ thưởng thức nghệ thuật miễn phí, họ luôn được ngồi ở những hàng ghế đầu, được tặng hoa cho ca sĩ và còn được bồi dưỡng tiền... đổ xăng...

 

Công việc chủ yếu của họ là cổ vũ cho các thí sinh hoặc ca sĩ, đặt câu hỏi tại các buổi giao lưu, hội nghị... Họ được gọi là những cổ động viên chuyên nghiệp.

 

Vỗ tay... được bồi dưỡng

 

Làm cổ động viên, khán giả tại các hội nghị, tổng kết, trao giải, các live show ca nhạc, game show truyền hình là một trong những công việc quen thuộc đối với các bạn trong nhóm sinh viên phục vụ công ích thuộc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên, Hội Sinh viên VN TPHCM từ nhiều năm qua, bên cạnh dạy kèm, giúp việc nhà, tiếp tân, phát tờ rơi...

 

Trưởng nhóm, bạn Nguyễn Trọng Hoàng (sinh viên năm 4 Khoa Đông Nam Á trường ĐH Mở - Bán công TPHCM), cho biết bạn đã gắn bó với công việc này suốt ba năm nay. Khi có việc, bạn đứng ra huy động lực lượng từ nhóm của mình (khoảng 70 người) và cả những nhóm khác để đáp ứng nhu cầu từ phía ban tổ chức.

 

Tùy theo nội dung, tính chất chương trình và đơn vị tổ chức, thù lao cho công việc đòi hỏi sự năng động này dao động trong khoảng 10.000 đồng đến 50.000 đồng/người/buổi. Chẳng hạn, mỗi lần ghi hình, game show Trúc Xanh cần 20-30 cổ động viên, thù lao 40.000 đồng/người/ngày (2 buổi); chương trình Trò chuyện cuối tuần cần khoảng 40 khán giả/lần, được bồi dưỡng 20.000 đồng/buổi.

 

Mỗi đêm diễn ra giải Sao Mai - Điểm hẹn, ban tổ chức cần 300 cổ động viên. Cảnh quay trận đấu quyết định trong bộ phim U14 - Đội bóng trong mơ cần đến hàng ngàn cổ động viên, quay trong cái nóng hầm hập suốt 2 ngày tại sân vận động Thành Long với mức thù lao 50.000 đồng/người cho một ngày hò hét, vỗ tay.

 

Đông nhất là live show của ca sĩ L. vào đầu năm 2004: Quy tụ đến 500 khán giả sinh viên. Thù lao cho mỗi chương trình ca nhạc thường chỉ ở mức tượng trưng: 10.000 đồng/người/lần nhưng bù lại là có cơ hội tiếp xúc với ca sĩ mà mình hâm mộ.

 

Khán giả biết diễn xuất

 

Live show của ca sĩ L. diễn ra vào lúc 20 giờ nhưng từ 16 giờ các bạn đã phải tập trung để tập, tùy từng bài hát mà vỗ tay hoặc giơ băng-rôn, hoặc múa, hoặc vẫy tay... Không phải lúc nào công việc cổ động cũng đơn giản như khi phục vụ game show: chỉ cần ăn mặc lịch sự, có mặt tại địa điểm đúng thời gian, ngồi xem và... vỗ tay.

 

Để đêm hội sân khấu hóa do báo S. tổ chức năm vừa qua thêm sinh động, các bạn trong nhóm của Hoàng phải chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ theo sự hướng dẫn của ban tổ chức: xuất hiện từ hướng nào, đi theo đội hình như thế nào, vỗ tay ra sao... Với những buổi ra mắt sản phẩm mới của các công ty, các bạn có nhiệm vụ ngồi nghe và đặt câu hỏi để khơi gợi sự chú ý của những khách hàng khác...

 

“Chỉ 5 phút trò chuyện cùng ca sĩ Lam Trường sau đêm Hát cho đại ngàn xanh tại Nhà Văn hóa Thanh niên để gây quỹ học bổng cho sinh viên dân tộc thiểu số, cũng đủ để tôi thấy vui suốt nhiều ngày liền” - bạn Nguyễn Trọng Hoàng tâm sự. Không kể hết những kỷ niệm và những tình bạn nảy sinh giữa họ từ các lần đi cổ vũ như thế.

 

Công việc vỗ tay theo yêu cầu không ảnh hưởng đến việc học của các bạn, bởi các game show, live show thường được tổ chức vào cuối tuần, các buổi họp, hội nghị không diễn ra thường xuyên. Khi tham gia công việc này, các bạn không đặt nặng vấn đề thù lao và dĩ nhiên không ai có thể sống được từ “nghề” làm cổ động viên, song từ những lần đi cổ động, họ sẽ có cơ hội sinh hoạt giải trí, giao lưu cùng bè bạn.

 

Theo Phương Trang
Người Lao Động