1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề "chồng làm, vợ phụ" ở làng tỷ phú mà cả ngày vắng bóng người

Hạnh Linh

(Dân trí) - Xã Hoằng Đồng (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đa phần là hộ giàu có, khá giả. Người dân ở vùng quê này rủ nhau đi kiếm tiền bằng nghề ít người nghĩ tới.

Vợ chồng bên nhau, kiếm vài chục triệu đồng/tháng

Tới xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, khách nơi xa không khỏi ngạc nhiên khi nhìn cơ sở hạ tầng khang trang, đồng bộ. Nơi đây, nhà cao tầng mọc san sát. Đường làng, ngõ xóm rộng thênh thang, hai bên cảnh sắc hút mắt. Rõ ràng là một vùng quê trù phú.

Người dân ở xã Hoằng Đồng giàu lên nhờ làm nghề xây dựng và kinh doanh, buôn bán.

Nghề chồng làm, vợ phụ ở làng tỷ phú mà cả ngày vắng bóng người - 1

Cổng chào thôn Quang Trung, xã Hoằng Đồng (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo thống kê của UBND xã Hoằng Đồng, trên địa bàn xã hiện có 20 tổ thợ, hơn 400 lao động theo nghề xây dựng, có thu nhập ổn định 7-15 triệu đồng/người/tháng.

Cả 5 thôn trong xã đều thành lập các tổ thợ xây. Nhiều gia đình cả vợ, chồng, con cái đều đi làm thợ hồ. Các tổ thợ của Hoằng Đồng nhận nhiều công trình lớn, nhỏ khắp cả nước.

Anh Nguyễn Danh Cường, 44 tuổi, ở thôn 2 Hồng Thái, là một trong những thợ xây có tiếng ở xã Hoằng Đồng. Với nghề xây dựng, anh Cường hiện nuôi cả gia đình 5 nhân khẩu và tạo việc làm thường xuyên cho 14 lao động khác ở địa phương.

Nghề chồng làm, vợ phụ ở làng tỷ phú mà cả ngày vắng bóng người - 2

Một góc khu dân cư tại xã Hoằng Đồng, huyện Hoằng Hóa (Ảnh: Hạnh Linh).

"Tiền lương trả theo vị trí công việc. Thợ cả được tôi trả công hơn 400.000 đồng/người/ngày, thợ phụ 350.000 đồng/người/ngày, phụ hồ có mức lương 300.000 đồng/người/ngày. Ai chăm chỉ, có sức khỏe, đi làm khoảng 25 công/tháng sẽ có thu nhập dao động 7-15 triệu đồng", anh Cường chia sẻ.

Ông chủ thầu xây dựng này cho biết, có những gia đình chồng làm thợ, vợ phụ hồ, tiền lương nhận được mỗi tháng khoảng 20 triệu đồng.

Với thâm niên 15 năm trong nghề, anh Cường cho biết, làm phu hồ rất vất vả. Nghề này yêu cầu phải có sức khỏe, kiên trì, chịu khó. Thợ nề ở đây lấy chữ tín làm đầu, được cả nước biết đến bởi tay nghề cao, kỹ thuật tốt nên mức lương nhận được luôn hậu hĩnh và chưa bao giờ ế việc.

Ông Nguyễn Viết Lâm, Trưởng thôn 2 Hồng Thái, cho hay, nghề xây dựng ở Hoằng Đồng đã trở thành nghề truyền thống từ lâu. Khoảng 20 năm nay, những người trong độ tuổi lao động ở trong thôn luôn xem việc phụ hồ là sự lựa chọn nghề nghiệp số một, sau đó mới đến đi làm công nhân và các công việc khác.

Nghề chồng làm, vợ phụ ở làng tỷ phú mà cả ngày vắng bóng người - 3

Dù khó nhọc nhưng nghề xây dựng đã và đang mang lại thu nhập ổn cho hơn 400 lao động ở Hoằng Đồng (Ảnh: Hạnh Linh).

Thôn 2 Hồng Thái có 9 tổ thợ, hơn 170 người trong thôn đang theo nghề phu hồ. Thôn cũng có khoảng 200 lao động đi làm ở các công ty, xí nghiệp. Hàng chục người đang lao động ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nga.

Theo ông Lâm, ở thôn, hộ nào cũng có 2 nguồn thu nhập từ đa ngành nghề nhưng nhiều nhất vẫn là nghề xây dựng và làm công nhân ở các khu công nghiệp. Một tháng, mỗi gia đình đều có nguồn thu nhập vài chục triệu đồng.

"Ngày thường, cả thôn rất vắng vẻ, chỉ có người già và trẻ nhỏ. Đàn ông, phụ nữ trong độ tuổi lao động đều đi làm, kiếm tiền. Chỉ dịp Tết là vui, nhộn nhịp khi người ở xa đem tiền về vui xuân, đón Tết", ông Lâm nói.

"Thôn có nhiều đại gia, tỷ phú ngầm"

Chia sẻ với chúng tôi về câu chuyện làm giàu ở xã Hoằng Đồng, ông Nguyễn Minh Lộc, Trưởng thôn 1 Lê Lợi, cho biết, khoảng 50% người dân trong thôn có nguồn thu nhập "khủng" từ kinh doanh buôn bán. Các hộ gia đình ở thôn 1 Lê Lợi kinh doanh đa dạng các loại mặt hàng như vật liệu xây dựng, đồ gia dụng, thực phẩm, quần áo,…

"Dân cư ở xã Hoằng Đồng rất đông đúc, việc kinh doanh vô cùng thuận lợi, nhiều gia đình 3 đời đều kinh doanh. Có tiền từ việc kinh doanh buôn bán, người dân đầu tư mở rộng cửa hàng, mua đất đai, gửi tiết kiệm. Cứ như thế, tiền mẹ đẻ lãi con. Trong thôn có nhiều đại gia, tỷ phú ngầm", ông Lộc vui vẻ nói.

Hơn 10 năm bén duyên với việc kinh doanh vật liệu xây dựng, gia đình chị Nguyễn Thị Liên, 36 tuổi, ở thôn 1 Lê Lợi, có nguồn thu nhập tốt từ cửa hàng.

Nghề chồng làm, vợ phụ ở làng tỷ phú mà cả ngày vắng bóng người - 4

Chị Nguyễn Thị Liên vui vẻ khi việc kinh doanh thuận lợi, tạo thu nhập ổn định (Ảnh: Hạnh Linh).

Chị Liên cho biết, chị ở nhà phụ cửa hàng còn chồng đi làm điện nước, mỗi tháng hai vợ chồng cũng kiếm được hơn 20 triệu đồng, kinh tế gia đình không bị áp lực. Cửa hàng tạo việc làm cho 3 lao động với mức lương 300.000 đồng/người/ngày.

Theo thống kê, toàn xã Hoằng Đồng có khoảng 300 hộ sản xuất kinh doanh cá thể. Việc kinh doanh buôn bán tại địa phương này tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 500 người.

Ông Hoàng Văn Hải, Phó chủ tịch UBND xã Hoằng Đồng, cho biết, nơi đây đã "trắng" hộ nghèo từ năm 2023 (trừ 16 hộ nghèo bảo trợ, không có khả năng thoát nghèo). Việc giảm nghèo ở địa phương luôn gắn chặt với bài toán tạo kế sinh nhai cho những hộ dân sau khi thoát nghèo. Mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân luôn được chính quyền quan tâm.

Nghề chồng làm, vợ phụ ở làng tỷ phú mà cả ngày vắng bóng người - 5

Việc buôn bán, kinh doanh từ những thứ nhỏ nhất, giúp người dân địa phương trở nên giàu có (Ảnh: Hạnh Linh).

Bật mí về cách xóa nghèo ở Hoằng Đồng, ông Hải cho biết, đó là do người dân chăm chỉ, chịu thương chịu khó. Nhờ nghề xây dựng và kinh doanh buôn bán mà nhiều hộ dân trong xã có tiền dư giả, gửi tiết kiệm, mua được ô tô, xây nhà cửa khang trang, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, đóng góp tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới.

Được biết, thu nhập bình quân đầu người của xã Hoằng Đồng lên đến 74,1 triệu đồng/người/năm, cao nhất nhì tại huyện Hoằng Hóa. Đây cũng là vùng quê tỷ lệ người dân có việc làm cao, tổng giá trị sản xuất, tốc độ tăng trưởng luôn vượt chỉ tiêu.