Nghề canh sóng

Mùa biển nổi phong ba, gió lạnh, mưa nhiều, người dân vùng ven biển - nơi có những bãi đá nham thạch đen bóng lại chộn rộn bắt đầu một mùa hái rong mứt.

Giống rong sinh sôi trong thời tiết khắc nghiệt khiến cho người làm nghề hái rong phải đương đầu với không ít hiểm nguy.

Leo gành hái rong mứt

Ầm…m….! Bà Phạm Thị Ninh vội xoay người lại, tay giữ chặt chiếc rổ nhỏ màu tím nhạt. Con sóng lớn bất thường đột ngột xô mạnh vào ghềnh đá, phủ lên đầu bà Ninh.

Dù 2 chân đã dang rộng để trụ vững, người phụ nữ bé nhỏ ngoài 50 tuổi vẫn chao nghiêng theo con sóng. Bên dưới lớp áo mưa mỏng manh, làn da bà Ninh tái nhợt vì ngấm nước mưa, nước biển và cả vì gió lạnh.

Nghề canh sóng - 1
 Người hái rong phải liên tục canh chừng các con sóng.

Sóng tan, với bàn tay mang găng cao su, bà Ninh thoăn thoắt bứt những thân rong đen óng, bám chặt trên gành đá trơn trợt. Đôi mắt theo thói quen, giây lát lại liếc nhanh về phía biển. Thấy con sóng lớn từ đằng xa, bà vội lui chân về phía bờ...

"Cái nghề này nó nguy hiểm mà chủ yếu là phụ nữ làm thôi, đàn ông ít người đi lắm, vì cũng không được bao nhiêu tiền. Rong mứt mọc trên gành đá và chỉ có vào mùa biển động, bởi vậy nên vừa hái rong phải vừa canh sóng. Không cẩn thận là bị sóng lôi xuống biển, mất mạng như không. Rong cũng rất trơn, phải đeo găng tay mới hái được", bà Ninh vẫn không ngơi tay, vừa hái rong vừa nói.

Nghề canh sóng - 2

 Rong mứt vừa được thu hoạch.
 

Quá nửa cuộc đời sống ở vùng biển (thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, TP Quảng Ngãi), bà Ninh đã ngót nghét 40 năm đi hái rong mứt. Lúc nhỏ thì ở với bà ngoại, đi hái với bà. Sau này lớn lên thì đi hái cùng chị em trong xóm.

Mùa hái rong, cánh phụ nữ trong làng thức dậy rất sớm. Mới 3 giờ sáng, trời vẫn còn tối đen, họ đã chui ra khỏi chiếc chăn ấm, chuẩn bị hành trang để ra gành hái rong.

Nghề canh sóng - 3

 Nhóm người đi hái rong mứt ở gành đá Thạch Ky Điếu Tẩu (xã Tịnh Kỳ)
 

"Hái rong tùy vào con nước. Nhưng thường thì phải thức dậy sớm, sau đó tui chế gói mỳ tôm ăn cho ấm bụng. Mùa này lạnh, ăn mỳ rất tiện lợi, vừa no, vừa ấm. Ăn xong ra tới biển là trời hừng hừng sáng. Nếu tối quá thì mang theo đèn pin, đeo trên đầu để soi. Ngày hái vài tiếng, được dăm lạng rong, cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày mưa gió", bà Phạm Thị Phượng- đi cùng nhóm hái rong với bà Ninh, chia sẻ.

Nghề nguy hiểm

Rong mứt là loại đặc sản được nhiều người ưa chuộng vì mát lành, bổ dưỡng. Chúng hay mọc trên những ghềnh đá dọc theo chân sóng. Thời điểm loại rong này sinh sôi thường là mùa đông, mưa dầm gió bấc. Những bãi đá gập ghềnh, cheo leo, hang hố hiểm hóc là nơi rong mứt mọc nhiều. Trơn trượt hoặc sóng bổ bất ngờ là những hiểm nguy người hái rong nào cũng trải qua.

Nghề canh sóng - 4

 Người dân thu hoạch rong mứt ở gành đá.
 

Rong mứt chỉ mọc ở khu vực sát mép biển. Sóng đập vào bờ phủ nước biển lên đá nham thạch, cùng với thời tiết se lạnh là điều kiện thuận lợi để rong mứt phát triển. Vì vậy những người hái rong mứt phải chấp nhận trước nhiều nguy hiểm.

Từ đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm, rau mứt bắt đầu sinh sôi trên những gành đá ven biển Quảng Ngãi. Đó cũng là lúc người dân rủ nhau thu hoạch "lộc trời" kiếm thêm lợi tức. Chịu rét lạnh, chịu sóng đánh vào gành đá, người dân làng biển có thể hái rong mứt suốt 4 giờ, kiếm thêm ít tiền để chi tiêu trong mùa biển động.

"Muốn hái được nhiều phải ra chỗ đá ngay mép sóng, chứ ở xa thì hái không được bao nhiêu. Trước kia cũng có một chị đi hái rong mứt bị ngã, tử vong", ông Phạm Văn Thanh (xã Tịnh Kỳ) cho hay.

Không chỉ riêng ở Tịnh Kỳ, hái rong mứt là nghề khá phổ biến của người dân vùng ven biển tỉnh Quảng Ngãi. Ở các làng biển, dân hái rong lưu truyền câu vè "Cũng vì rong mứt ngọt lành/Mà anh té hố ngã gành bao phen".

Nghề canh sóng - 5

 Treo mình bên vách đá để hái rong.
 

Để hái rong mứt, thì người dân phải treo người trên vách đá cao thẳng đứng tại các gành biển ở địa phương và đối mặt nhiều nguy hiểm. Gần đây nhất, tại xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, đã có người đàn ông là thợ lặn chuyên nghiệp không may gặp tai nạn và tử vong khi đi hái rong.

Tầm 9 giờ sáng, người đi hái rong tản mác dần, bà Ninh cũng chuẩn bị ra về. Chao nhẹ chiếc rổ con đã chứa kha khá rong, bà chép miệng: "Nhiêu đây chắc được 2 lạng, mang bán khoảng 50.000 đồng đó mấy đứa. Cái nghề này nó cực mà thảm quá. Âu cũng là vì mưu sinh".

Bà Ninh vừa dứt lời thì có tiếng gọi. "Bà Ninh ơi, bà đâu rồi?". Đứng khuất sau tảng đá, bà Ninh nói vóng ra: "Tui đây, tui đây!". Bà cười, rồi nói như phân bua: "Nghề này sống chết cận kề, đi làm phải trông chừng, nhắc nhở lẫn nhau. Đừng ham rong mà quên con sóng dữ."

Trời lại đổ mưa, gió và sóng mỗi lúc một lớn, nhóm người hái rong mứt vượt qua những chỏm đá cheo leo rồi trèo lên con dốc trơn trợt để về nhà. Vẫn còn kịp phiên chợ sáng để bán mớ rong tươi vừa hái được. Sau lưng họ, những con sóng bạc đầu vẫn miệt mài vỗ vào gành đá, tung bọt trắng xóa, vỡ tan…