Nghề buôn “góc con người”

Nếu như cha ông ta có câu: “Cái răng, cái tóc là góc con người” thì nghề của bà là nghề thu mua tóc dài, nghề kinh doanh cái “góc con người”.

Người đàn bà đó có dáng tuy gầy, mảnh nhưng rắn chắc, làn da trải nhiều sương gió đã đậm màu đất nung. Bà tên là Quy (ở Hiệp Hoà, Bắc Giang) người cùng làng hay gọi bà là Quy “tóc”, để phân biệt với bà Quy “vải” (kinh doanh vải) hay Quy... “lợn” (bán thịt lợn) đều gần nhà nhau.

 

Gia đình bà có 6 người thì có đến 4 người cùng làm nghề như bà, mỗi người toả đi một phương trời thu mua tóc. Bà được phân vùng tương đối gần nhà, gồm các tỉnh: Hà Nội, Hà Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Con trai cả của bà vào tận các tỉnh phía Nam hành nghề, còn đứa cháu nội của bà năm nay 16 tuổi, đang đi học nên được ưu tiên “hoạt động” mấy xã gần nhà. Còn chồng bà, bị bệnh thấp khớp nên chỉ ngồi ở nhà, khi có hàng về thì phân ra các loại dài, ngắn rồi đóng bao tải chở đến nhập cho các đại lý tóc lớn trong huyện.

 

Theo bà Quy, thì các đại lý này lại mang hàng lên biên giới bán sang Trung Quốc. Tính trung bình, mỗi tháng ba người nhà bà Quy thu mua được gần trăm kilôgam tóc. Mỗi kg chừng 16 đến 20 lọn tóc. Vậy là có đến gần 2.000 mái tóc Việt theo bàn cân của gia đình bà lên biên giới mỗi tháng.

 

Làng bà ngót nghét 10 gia đình thu mua tóc lẻ, ba bốn đại lý tóc lớn. Khắp các vùng quê trong nước không biết có bao nhiêu “đội quân” nữa cùng làm cái nghề này, vậy số tóc dài của những người con gái Việt vượt biên giới chẳng thể nào mà kể xiết.

 

Theo bà Quy, tóc được chia thành 3 loại, mỗi loại mỗi giá khác nhau. Loại 1 dài trên 50cm, giá đắt nhất, 1 triệu đồng/kg.

 

Loại 2 dài trên 30cm, giá tương đối “cứng”.

 

Loại “bét” thì chỉ 300 nghìn đồng/kg nhưng kén người mua vì lãi chẳng bao nhiêu.

Mỗi tháng các chủ thu mua tóc xuất khẩu đến 4-5 tạ tóc tức là mỗi tháng có 60-70 nghìn mái tóc Việt “ra đi”. Bà Quy kể, các đại lý tóc nhờ làm cái nghề này mà giàu sụ. Nếu như ngày xưa họ nghèo kiết xác thì bây giờ nhà nào nhà nấy “lên đời” tivi, tủ lạnh và cả xe máy, nhà ít thì một xe, nhà giàu hơn thì ba, bốn cái. Còn như nhà bà, “tung quân” từ Nam ra Bắc từ vài năm nay cũng dành được một số tiền trả nợ, lo cho cô con út học đại học trong Huế, cho thằng cháu đóng học phí mỗi tháng...

 

“Trước đây chúng tôi làm ruộng nhưng giờ thì khoán hết rồi, tập trung cho nghề này...”, bà nói. Thời gian này bà Quy đang “nằm vùng” ở Hà Nội, vài hôm nữa lại lên Bắc Ninh, sau đó đi Thái Nguyên rồi mới về nhà một thể. Mỗi tháng bà chỉ tranh thủ về vài lần “đổ hàng”, thời gian còn lại bà rong ruổi khắp làng mạc, phố phường mua tóc.

 

Mỗi lần về, chồng bà thường nói đùa: “Bà già rồi có khác, khéo mồm khéo miệng đến mấy cũng chỉ mua được mấy mớ tóc vừa ngắn, vừa khô không khốc, lại đủ phẩm màu. Không như thằng Hoà (con trai bà) mỗi lần nó về là có hàng trăm mái tóc thề tuôn dài óng ả, đen, mềm như nhung. Chẳng biết nó thuyết phục con gái người ta thế nào mà họ nỡ lòng cắt xoẹt cả mái tóc dài đẹp thế kia”.

 

Bà kể: “Đã là nghề rồi không làm không được, nhưng thực tình nhiều khi tôi xót lắm. Có hôm, một cô bé gọi tôi vào rồi bổng dưng khóc rưng rức, tôi chưa kịp hỏi gì thì cô bé đã cầm kéo đẵn luôn cả mái tóc dài rồi bảo: “Cháu bị người yêu phản bội nên chẳng thiết tha gì với mái tóc dài này nữa”. Suốt hôm ấy, tôi nghĩ nhiều lắm, vừa xót mái tóc của cô bé vừa thấy hình như mình có lỗi trong việc này, có lỗi với bao cô gái Việt Nam cắt tóc thề để đổi lấy mấy chục nghìn đồng, giá chỉ bằng một lọ dầu gội đầu. Cho nên bây giờ ai thích bán thì tôi mua chứ không cố nài nỉ, thuyết phục như trước nữa”.

 

Bà Quy đem ra một phép so sánh khá thú vị, bây giờ ở Hà Nội hiếm lắm mới tìm được một mái tóc dài, mà cũng ít người bán chứ con trai bà vào tận các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, tóc dài còn nhiều lắm. Con gái trong đó tóc đã dài lại mềm, mượt, đẹp hơn hẳn ngoài Bắc này. Nhưng những mái tóc dài Việt Nam ấy lại lần lượt được tuồn sang biên giới, nghĩ mà xót lắm thay.

 

Theo Kinh Tế Đô Thị