Nghề buôn đồng nát, bùn ở dưới chân, nắng ở trên đầu

Nói đến đại lý đồng nát Cầu Gãy ai cũng nghĩ ngay đến ông Phạm Quốc Việt (xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An). Dù đã ở cái tuổi ngoài 60 nhưng với ông lao động là niềm say mê không thể thiếu trong cuộc sống.

Từ những đồng vốn vay khiêm tốn của nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông đã biết vận dụng để phát triển kinh tế đưa đến cho gia đình một cuộc sống đủ đầy, khang trang.

Làm giàu từ nguồn vốn khiêm tốn

Từ những ngày đầu về sinh sống trên mảnh đất Hưng Phúc, ông Việt được biết đến là một ông chủ quán nhậu thịt chó Cầu Gãy mà giờ nhắc lại ai cũng nhớ. Một thời làm nên tiếng tăm thịt chó Cầu Gãy tại đây nhưng rồi ông dần dần chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác. 

Nghề buôn đồng nát, bùn ở dưới chân, nắng ở trên đầu - 1

Ông Việt bên xưởng thu mua và chế tái  đồng nát của mình

Chia sẻ lý do vì sao ông chuyển nghề, nhấp chén trà nóng ông vui vẻ nói: “Làm thịt chó sát sinh nhiều quá, càng về già tôi càng e ngại chuyện sát sinh nên tôi quyết định chuyển đổi công việc. Khi bắt đầu nghỉ làm thịt chó bán, tôi đi làm thuê, cứ có việc là tôi làm nhưng như thế không bền. Được một thời gian, tôi bắt đầu về đầu tư để làm chăn nuôi, trồng cây và thu mua phế liệu...".

Ngoài ra, ông Việt còn nhận thầu tháo dỡ nhà cũ làm sạch mặt bằng cho người dân, bước đầu cũng gặp nhiều khó khăn nhưng ông cứ nghĩ đơn giản rằng “Bùn ở dưới chân, nhưng nắng lại trên đầu”, chẳng có việc gì là dễ dàng cả, nhất là với những người lớn tuổi như ông. Nhưng cứ cố gắng thì sẽ không bao giờ là muộn...

Hưng Phúc vốn là một xã gần thành phố Vinh nên việc thu mua phế liệu cũng như làm vườn, chăn nuôi rất thuận tiện. Việc các con buôn lẻ về nhập cho đại lí ngày càng nhiều vì nhờ vào vị trí cũng như phong cách thu mua thoải mái, vui vẻ và nhanh nhẹn của ông Việt.

Chị Trần Thị Hát– người thường nhập phế liệu cho ông chia sẻ: “Ở Vinh và các vùng phụ cận có rất nhiều cơ sở thu mua nhưng tôi vẫn cứ về nhập cho ông Việt vì ông mua bán nhanh và vui vẻ, hòa đồng. Ông bà sống rất tình cảm nên những người mua những phế liệu này về sử dụng lại cũng nhiều”.

Bên cạnh những vật dụng bằng sắt được gia công lại bằng sơn, cắt, gọt giũa và hàn xì thành những vật dụng phổ biến ông còn thu thập những cánh cửa bằng gỗ các loại về ông cho người đánh sạch sẽ rồi sơn bóng lại để ai có nhu cầu họ đến tìm mua và lựa chọn.

Ông Việt chia sẻ: “Nông dân vùng quê còn nhiều vất vả nên làm việc gì mà cứ phải mua mới đắt gấp 2, 3 lần tốn kém lắm, nên tôi mới nảy sinh ý định dùng những thứ đã cũ làm lại cho đẹp, cho mới để bớt gánh nặng tài chính cho bà con trong vùng khi họ cần”.

Nghề buôn đồng nát, bùn ở dưới chân, nắng ở trên đầu - 2

Cơ sở thu mua phế liệu của ông Việt còn giải quyết việc làm cho 6 -7 lao động trên địa bàn với ngày công dao động từ 300.000 – 350.000 đồng/ ngày. Ngoài việc thu mua phế liệu, cơ sở ông còn tái chế những thứ còn tốt để bán lại cho những người có nhu cầu sử dụng những vật dụng đã cũ để đỡ được phần nào tài chính cho gia đình.

Ngoài là một ông chủ của đại lí đồng nát, ông còn được biết đến là một người làm vườn giỏi. Hiện ông có một ao cá rộng hàng nghìn m2 và một vườn cây ăn quả trồng xen canh với rau.

Vườn cây ăn quả vừa mới được trồng, cải tạo nhưng bước đầu đã cho trái dù thu nhập chưa đáng kể. Theo ông chia sẻ, việc nuôi cá của ông không tốn nhiều thời gian, cá nuôi chủ yếu là cá mè, trắm đen và rô phi cứ mỗi lứa cho thu nhập để thêm trang trải trong gia đình.

Ông chia sẻ thêm: “Muốn làm ăn thì phải có vốn. Bên cạnh vốn thì cái định hướng cũng như sự quan tâm của các cấp lãnh đạo lại rất cần thiết và quan trọng. Từ nguồn vốn vay 50 triệu đồng Quỹ hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tôi đã đầu tư thêm vốn để thu mua phế liệu và cây giống làm vườn. Dù ít nhưng nó đã giúp gia đình tôi phần nào giải quyết được khoản tài chính trước mắt để đầu tư thêm. Hơn nữa, quan trọng đó là sự thể hiện quan tâm tới hội viên của Hội Nông dân”.

Nguồn vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích

Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Nghệ An là một trong những nguồn lực đáng kể hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Hàng trăm hộ nông dân được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tăng thu nhập, nâng cao đời sống góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển.

Nghề buôn đồng nát, bùn ở dưới chân, nắng ở trên đầu - 3

Ông Việt còn là một nông dân chăn nuôi rất giỏi, ngoài việc sử dụng nguồn vốn vay từ quỹ hội nông dân đầu tư vào xưởng thu mua phế liệu thì ông còn đầu tư nuôi cá, mang lại thu nhập cao

Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn, Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giúp cán bộ, hội viên hiểu rõ hơn mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân.

Cùng với đó, Hội còn định hướng cho các hộ vay vốn trong việc sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.

Các cơ sở Hội trên địa bàn huyện cũng thường xuyên xuống tận các hộ vay vốn để kiểm tra, theo dõi quá trình sử dụng nguồn vốn của hội viên. Đồng thời, Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên đã tiến hành khảo sát các hộ có nhu cầu vay vốn, trong đó ưu tiên lựa chọn các hộ có tinh thần trách nhiệm cao trong việc sử dụng nguồn vốn, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn.

Không những vậy, trong quá trình khảo sát và cho vay, Hội đã tiến hành định hướng bà con phát triển sản xuất theo thế mạnh từng vùng nhằm hướng các hội viên liên kết lại với nhau, giúp nhau giải quyết những khó khăn tiến tới phát triển sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị.

Ðến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn huyện Hưng Nguyên đã giải ngân gần 3 tỷ đồng. Hầu hết các mô hình vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như mô hình chăn nuôi bò, chăn nuôi thủy sản, gà trên các xã Hưng Lĩnh, Hưng Xá, Hưng Xuân, Hưng Lợi, Hưng Phúc, Hưng Yên Bắc, Hưng Tiến.

“Hầu hết các hộ vay vốn đều thực hiện nghiêm túc. Nguồn Quỹ nói cho cùng để phát triển làm giàu thực sự từ nguồn vốn này thì chưa có nhưng đã tạo đòn bẩy cho các hộ vươn lên làm ăn phát triển kinh tế, cải thiện được cuộc sống gia đình. Có những hộ có nền tảng hơn chút và biết làm ăn hơn thì kinh tế khấm khá hơn, còn tạo thêm việc làm cho một số lao động trên địa bàn. Dù vậy, nguồn Quỹ còn thu phí hơi cao nên cần phải giảm thêm tạo điều kiện cho bà con về nguồn kinh phí để phát triển sản xuất”, ông Phạm Hồng Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên chia sẻ.

Sắp tới, Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên sẽ tiếp tục hướng đến xây dựng các mô hình, trang trại theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, Hội kí kết với các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà hàng về bao tiêu sản phẩm cho bà con nhân dân trên địa bàn...

Theo Mỹ Hà/Danviet.vn