1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghệ An: Làng trồng hoa "ta" “, hoa "tây" đang "nín thở” ngóng trời

Nhiều chủ vườn ở các làng hoa, cây cảnh ở tỉnh Nghệ An “đứng ngồi không yên” khi thời tiết ấm lên bất thường. Làng trồng hoa, từ các loại hoa "ta" cho tới các loại hoa "tây" đều đang "nín thở" ngóng ông trời.

Cả năm làm ăn, người trồng hoa chỉ trông vào vụ hoa Tết, nhưng đầu vụ mưa lũ, giữa vụ lại nắng nóng khiến các loại hoa phát triển kém, bông nhỏ, có loại sẽ nở sớm hơn dự kiến và có loại sẽ nở muộn… sẽ “trượt” vụ hoa Tết.

Làng đào “thấp thỏm” ngóng ông trời

Còn gần 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán, nhưng hiện nay bà con nông dân ở xã Kim Thành, huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) những ngày này đã tất bật, khẩn trương dồn sức tuốt lá, tỉa cành, tạo dáng cho những cây đào. 

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, chị Hoàng Thị Quyên, trú tại xã Kim Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết: “Vụ đào năm ngoái, cả làng chúng tôi “trúng đậm” khi đào nở đúng vào những ngày giáp Tết, hoa đẹp, nụ chi chít, lộc mơn mởn nên bán rất được giá, có những hộ thu về cả trăm triệu đồng nhờ bán đào. Năm nay, người dân dồn sức tập trung mở rộng tích, đầu tư chăm bón cho cây đào với hy vọng bội thu vào dịp Tết...".

"Thế nhưng, năm nay thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều nhưng lại ít lạnh, nắng ấm kéo dài khiến cây đào sinh trưởng, phát triển kém hơn. Do nắng ấm nên đến cuối tháng 11, các hộ gia đình mới bắt đầu tuốt lá cho đào.

Theo lịch thì năm 2020, nhuận 2 tháng Tư, lập Xuân muộn hơn (4/2 mới lập Xuân) do đó, nếu từ giờ đến Tết trời rét thì đào sẽ nở muộn, còn nếu nắng nóng kéo dài thì sẽ nở sớm”, chị Quyên thở dài.

Nghệ An: Làng trồng hoa ta “, hoa tây đang nín thở” ngóng trời - 1

Nông dân làng đào Kim Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) chăm sóc đào tết. Ảnh: Mỹ Hà

Theo ông Nguyễn Ngọc Long-một người có có kinh nghiệm 30 năm trồng đào, cây đào ra hoa phụ thuộc nhiều vào tiết lập Xuân. Năm nay, lập Xuân muộn nếu sắp tới có rét đậm thì sau Tết đào mới bung hoa. Ngược lại, trời nắng nóng thì đào sẽ nở sớm. Do đó, bên cạnh việc tuốt lá, thì người trồng đào canh thời tiết để tìm cách hãm đào hay thúc đào nở hoa. Nếu thời tiết nóng thì phải làm giàn che nắng, tạo bóng tối cho cây cả ngày trong thời gian mươi, mười lăm ngày và phun nước lạnh thường xuyên toàn bộ tán, thân cây đào, hãm cho đào không ra hoa sớm.

“Nếu trời rét kéo dài, làm giàn che cho đào và hàng ngày tưới nước ấm vào quanh gốc đào để đảm bảo đủ nhiệt độ kích thích cho đào ra hoa đúng dịp Tết. Hoặc bới đất, chặt bớt rễ, dùng mai xén bớt từ 10-20% rễ, cần xén rải rác đều xung quanh gốc để hãm đào nở sớm... Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là nhờ...ông trời. Đến rằm tháng Chạp mới biết năm nay được hay mất mùa đào”, ông Long tiết lộ.

Nghệ An: Làng trồng hoa ta “, hoa tây đang nín thở” ngóng trời - 2

Có nhiều vườn đào tại xã Kim Thành đã nở hoa sớm, khiến bà con nông dân đứng ngồi không yên. Ảnh: Mỹ Hà

Đào nở sớm trước tết hay sau tết mới nở thì người dân trồng đào cũng sẽ thất thu. Chị Phan Thị Hường, một hộ dân ở xóm Đồng Bản, xã Kim Thành trồng 300 gốc đào chia sẻ: “Tết năm 2019, gia đình tôi thu về 30 triệu từ bán đào, năm nay tôi bàn với gia đình và mạnh dạnh chuyển 1,5 sào đất màu kém hiệu quả sang trồng đào phai. Nhưng năm nay thời tiết thay đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, không những gia đình tôi mà cac hộ trồng đào khác cũng đứng ngồi không yên, ruột gan "nóng như lửa" vì sợ đào nở sớm....".

Theo chị Hường, cho tới thời điểm này có những vườn đào đã tuốt lá xong, có những vườn chỉ mới tuốt phần gốc, còn phần ngọn vẫn đang “ngóng” thời tiết, nếu nắng thì tuốt lá muộn hơn để ra hoa đúng dịp Tết”.

Nghệ An: Làng trồng hoa ta “, hoa tây đang nín thở” ngóng trời - 3

Hiện có nhiều thương lái đã tìm đến làng đào Kim Thành để xem, đặt hàng, nhưng họ chưa vội chốt giá mà còn đợi đến ngày áp Tết xem đào nở đẹp hay không, có đủ “tứ đại đồng đường” (lá xanh, lộc non, hoa, nụ và quả non) hay không. Ảnh: Mỹ Hà

Trước đây, cây đào ở Kim Thành chỉ được trồng rải rác ở vườn nhà, mé đồi của một vài hộ dân. Sau khi “có tiếng”, đào phai Kim Thành trở thành cây hàng hóa có giá trị, mang lại thu nhập cao cho người dân nên xã đã tạo điều kiện chuyển đổi diện tích đất ruộng xa xấu sang trồng cây đào.

Hiện toàn xã Kim Thành có 25ha trồng đào, riêng xóm Đồng Bản có 15ha, còn lại rải rác ở các xóm Trại Mắt, Hồng Liên…Là thu nhập chính của người dân Kim Thành, nên những ngày này, những người trồng đào “nín thở” chở trời, cầu mong mưa thuận, gió hòa để cây đào ra hoa đúng dịp, để bà con có một cái Tết ấm no…

"Thấp thỏm"...cùng hoa ly

So với nhiều loại hoa khác, hoa ly là loại hoa có giá cả khá đắt và cũng khó chăm sóc nhất. Để làm nên một vụ hoa thì nông dân phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc thì mới tạo ra được những luống hoa đẹp, không bị sâu bệnh.

Muốn thu hoạch hoa cho vụ tết, hoa ly phải được trồng từ tháng 10 âm lịch. Tuy nhiên, người  trồng hoa ly phải tính toán rất kỹ và chuẩn về thời gian trồng đến thời gian thu hoạch là bao lâu. Chỉ cần tính sai, hoa ly nếu nở sớm hay nở muộn dịp tết sẽ khiến cho họ bị trượt vụ tết và lỗ rất nặng.

Để trồng được một sào hoa ly thì chi phí bỏ ra cũng khá nhiều. Giá mua vào một củ hoa ly vàng hoặc hồng lên tới 16.000 đồng, củ ly đỏ thì 20.000 đồng – 25.000 đồng/củ.

Nghệ An: Làng trồng hoa ta “, hoa tây đang nín thở” ngóng trời - 4

Nông dân trồng hoa ly lo lắng nếu trời nắng ấm kéo dài, hoa ly sẽ nở sớm, trượt vụ hoa Tết. Ảnh: Mỹ Hà

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, anh Trần Khắc Thẩm (SN 1993, trú xã Nam Phúc, huyện Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: “ Đây là mùa thứ 3 tôi trồng ly, nhưng thời tiết nắng nóng kéo dài nên vừa trồng vừa run, lo lắng không yên, riêng tiền giống của 1 sào ly đã lên đến 160- 170 triệu đồng. Xuống giống xong, nếu thành công, tỷ lệ cây sống chiếm khoảng 90%, còn 10% là thối, chết, bệnh phải loại bỏ là đã mất cả chục triệu bạc. Rồi phân đạm, thuốc trừ sâu, trừ cỏ tính ra mất 4 triệu đồng cho một vụ, còn chưa tính tiền cọc, tiền bạt che...".

Theo anh Thẩm, nếu thời tiết thuận, hoa ly nở đúng Tết, giá bán cao (khoảng 30.000 đồng/cành) thì có lãi (khoảng 100 triệu/sào). Nhưng chẳng may, nắng ấm kéo dài, ly nở sớm, bán tháo bán đổ coi như thất bại, không đủ vốn”.

Những ngày này, vào thời gian cao điểm của vụ hoa ly, các hộ dân tại các xóm 11, 12, 13, 14 xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bám đồng, bám ruộng để chăm sóc hoa, thường xuyên liên lạc với cán bộ kỹ thuật của viện giống cây trồng để điều chỉnh kịp thời cách chăm bón để hoa ly nở đúng dịp Tết.

Đây là năm thứ 2 nông dân xã Nghi Long đưa cây hoa ly về trồng, một số hộ cũng trồng thử nghiệm hoa ly lùn trong chậu tại nhà. Bên cạnh sự hỗ trợ 50% giống, phân bón của huyện, được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm bón các hộ trồng ly còn phải đầu tư nhà màng, mái che nên rất tốn kém, có hộ phải vay mượn đề đầu tư vào trồng hoa ly. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Tứ Ngọc- Phó chủ tịch UBND xã Nghi Long cho biết: “Nếu ly nở đúng dịp thì lãi cả trăm triệu/sào. Nhưng nếu nở trước hoặc sau tết phải bán đổ, bán tháo thì lỗ nặng. Vì như hoa cúc còn bán được vào ngày tuần (mồng một, rằm) và cúng ông Công, ông Táo còn hoa ly thì chỉ bán vào dịp tết. Trồng ly cũng như “đánh cược” với trời, việc chủ động kỹ thuật chăm bón, chọn giống chỉ được 50% còn 50% nữa phụ thuộc vào thời tiết”.

Theo Mỹ Hà/Danviet.vn