Ngành "hot" lương 200 triệu đồng/tháng, sao ít người quan tâm?
(Dân trí) - Không ít các doanh nghiệp logistics ở TPHCM trải thảm mời lao động kèm mức lương 40-200 triệu đồng/tháng nhưng vẫn rất khó tuyển dụng.
Lương "chín chữ số" vẫn "khát" nhân sự
Ông Mai Tiến Nam, Giám đốc Công ty TNHH ICD N.P. cho hay, hiện nay, nhân lực là yếu tố then chốt để giúp các doanh nghiệp logistics Việt Nam phát triển. Khi có nhân sự tốt, các doanh nghiệp có thể sòng phẳng cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài và vươn tầm ra quốc tế.
Cũng như các doanh nghiệp logistics khác, từ lâu công ty của ông Nam đã đưa ra nhiều phúc lợi tốt để tìm nguồn lao động chất lượng cao. Tuy vậy, ngày càng ít ứng viên đáp ứng được 3 tiêu chí "kiến thức, kỹ năng, thái độ" mà công ty đưa ra.
"Một nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực logistics đòi hỏi phải có kiến thức chuyên ngành sâu, trình độ ngoại ngữ tốt, kỹ năng đàm phán và giao tiếp tốt. Cùng với đó, cần giỏi kỹ năng lập kế hoạch, triển khai, giám sát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch một cách linh hoạt và hiệu quả.
Tiếp đó, nhân sự cần có khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm tốt. Kỹ năng phân tích và quản trị rủi ro cũng như nhận định tốt xu hướng thị trường để từ đó đề ra chiến lược giúp doanh nghiệp thích ứng và phát triển tốt", ông Nam phân tích.
Hiện nay, công ty N.P vẫn đang tiếp tục đăng tuyển nhiều nhân sự để đáp ứng nhu cầu công việc. Đối với vị trí quản lý cấp cao có thu nhập từ 40-80 triệu đồng/tháng, vị trí quản lý cấp chiến lược được trả lương 100-200 triệu đồng/tháng.
Cũng theo anh Nam, đối với sinh viên mới tốt nghiệp và ít kinh nghiệm, mức lương dao động từ 12-15 triệu đồng/tháng. Đối với vị trí quản lý cấp trung (giám sát, trưởng nhóm,…) mức lương 25-40 triệu đồng/tháng.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quang - Trưởng phòng Logictic Công ty TNHH D.H. (TPHCM) - cho biết, lĩnh vực logistics thường được chia theo các cấp độ là: cấp quản trị cấp cao, cấp quản lý và chuyên gia, cấp điều phối, quan sát và cuối cùng là nhân viên kỹ thuật như đóng gói hàng, điều khiển xe nâng, nhân viên kho bãi, lái xe…
Do đó, bộ phận logistics trong doanh nghiệp là bộ phận "xương sống" giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
"Để phát triển doanh nghiệp thời gian qua công ty chúng tôi đã tuyển dụng nhiều nhân sự trong lĩnh vực logistics, tuy nhiên trình độ chuyên môn nhiều lao động còn yếu chưa đạt với yêu cầu mà công ty đặt ra", ông Quang trải lòng.
Đào tạo nguồn nhân lực logistics
Theo ông Mai Tiến Nam, đến năm 2030, nhu cầu nhân lực logistics của Việt Nam lên đến 2,2 triệu người. Tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực logistics mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu của các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì thiếu rất nhiều.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến doanh nghiệp "khát" nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics như hiện nay là tình trạng mất cân đối cung - cầu và nguồn cung thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và tính chuyên nghiệp.
Hiện nay năng lực của sinh viên sau khi ra trường chỉ đáp ứng được 20%-30% nhu cầu của doanh nghiệp. Để lấp vào khoảng trống đó, không ít doanh nghiệp phải tự đào tạo lại để sử dụng và phát triển nguồn nhân lực, dẫn đến sự lãng phí tiền bạc và thời gian.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Nam đề xuất, các trường học cần phải chủ động tạo hệ sinh thái "3 nhà" (nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp).
Trong quá trình đào tạo, nhà trường cần chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, nhất là ngoại ngữ chuyên ngành. Ưu tiên chương trình áp dụng công nghệ thông tin, phương pháp nâng cao hiệu suất lao động vào thực tiễn doanh nghiệp.
"Để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, chúng tôi đã chủ động đặt hàng với các trường, cơ sở đào tạo, các đơn vị cung ứng lao động. Đồng thời, có kế hoạch tuyển dụng và phát triển nguồn nhân lực.
Xây dựng cơ chế lương thưởng, chế độ phúc lợi hấp dẫn, chế độ thăng tiến rõ ràng để giữ chân người lao động", ông Nam cho hay.
Theo ông Bùi Văn Hưng - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II (Bộ LĐ-TB&XH) - đào tạo nguồn nhân lực logistics cần có một hệ thống đào tạo đa dạng, linh hoạt.
Việc đào tạo, phát triển nhân lực cần phải gắn với từng vị trí, các thiết bị của doanh nghiệp để sau khi tốt nghiệp, người học có thể tiếp cận được ngay từng vị trí việc làm.
Cũng theo ông Hưng, các trường đào tạo ngành logistics cần đầu tư cơ sở vật chất, thường xuyên nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên...
"Để đào tạo nhân sự ngành logistics đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường đã hợp tác với doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào xây dựng quá trình đào tạo, hướng dẫn học sinh sinh viên học tập, tham quan và tiếp nhận thực tập tại nhà máy trong suốt quá trình đào tạo.
Đặc biệt, khâu đánh giá kết quả đào tạo phải có sự tham gia của doanh nghiệp. Từ đó, đào tạo nguồn nhân lực mới đáp ứng được nhu cầu doanh nghiệp, nâng cao cơ hội việc làm cho người học", ông Hưng nhấn mạnh.