Ngành dệt may đối phó với nạn “chảy máu lao động”

(Dân trí) - Nhiều đơn vị cho biết, trong khi đơn đặt hàng không thiếu thì vấn đề thiếu nhân lực đang là thách thức, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên Đán- Thời điểm hàng loạt công nhân nghỉ việc ở lại địa phương hoặc đi tìm chỗ làm mới.

Về vấn đề "chảy máu lao động" tại các khu công nghiệp đặc biệt trong lĩnh vực dệt may đang khiến các doanh nghiệp điêu đứng. Nhiều đơn vị cho biết, trong khi đơn đặt hàng không thiếu thì vấn đề nhân lực đang là nỗi lo, đặc biệt là sau dịp Tết Nguyên Đán- Thời điểm hàng loạt công nhân nghỉ việc ở lại địa phương hoặc đi tìm chỗ làm mới.

Ông Lê Tiến Trường- Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Dệt May Việt Nam  nhận định, lý do dẫn đến tình trạng "chảy máu lao động" tại các doanh nghiệp dệt may một phần do cạnh tranh trong ngành khá gay gắt dẫn đến người lao động có tâm lý nhảy việc.

Ngành dệt may đối phó với nạn “chảy máu lao động” - 1
Ngành dệt may nhiều năm nay luôn được đánh giá là khu vực có mức lương chưa thỏa đáng. (Ảnh minh họa)
 
Có một thực tế khác, từ nhiều năm nay ngành này vẫn được đánh giá là lĩnh vực có mức lương cho người lao động thấp, điều kiện lao động chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động. Trong khi đó dự kiến, đến năm 2015, tập đoàn Dệt may cần tới hơn 3 triệu lao động. Nếu các doanh nghiệp không có chiến lược giữ chân người lao động bằng các chế độ đãi ngộ, chế độ làm việc  và môi trường làm việc tốt thì thiếu lao động là điều chắc chắn. Trước thực trạng đó, từ đầu năm 2011 hàng loạt kế hoạch cụ thể nhằm giữ chân người lao động đã được tập đoàn Dệt May Việt Nam triển khai.

Theo đó, các chương trình liên quan sẽ thỏa mãn 3 yếu tố là môi trường - điều kiện làm việc, đời sống văn hóa tinh thần và thu nhập cho người lao động. Trên cơ sở đó, công đoàn ngành sẽ xây dựng chương trình hành động gồm cả việc tổ chức những hoạt động văn hóa tinh thần, nhà tập thể cho người lao động, chung cư , ký túc xá cho công nhân hạn chế việc công n hân phải ở trong điều kiện không tốt tại các nhà trọ tư nhân, đây là những hướng mà chúng tôi sẽ triển khai.

Cụ thể, Tập đoàn đã chỉ đạo các doanh  nghiệp khi xây dựng nhà máy mới cần dành 1 phần đất để xây dựng ký túc xá cho công nhân, nhằm xây dựng văn hóa trong CN. Hiện nay một số công ty như như Nhà Bè, Hanosimex... đã làm được. Đây sẽ là nơi để tập hợp lực lượng lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp và toàn ngành.

 “Dệt may vẫn là ngành kinh tế có lợi thế và trọng yếu của đất nước trong 20 năm tới. Vì thế các doanh nghiệp cần có những quyết sách về vấn đề  thị trường đối với bên ngoài, sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cùng đó cũng phải chăm lo, giải quyết thỏa đáng vấn đề thu nhập, cải thiện môi trường và cải thiện môi trường sống, sinh hoạt văn hóa ngoài giờ làm việc cho người lao động” – Ông Trường nói.

P. Thanh