Nâng tầm thương hiệu - Săn việc thành công
Sau buổi phỏng vấn căng thẳng, bạn chẳng bao giờ nghe thấy tin tức gì từ nhà tuyển dụng. Bạn không biết tại sao mình “rớt” dù xét về kinh nghiệm và kỹ năng, bạn hoàn toàn phù hợp. Đã bao nhiêu lần bạn rơi vào tình huống này?
Nguyên nhân có thể xuất phát từ thương hiệu của chính bạn.
Chào chị! Dưới vai trò người đứng đầu một doanh nghiệp và một nhà tuyển dụng, chị cân nhắc những yếu tố nào khi chọn lựa một ứng viên?
Tuyển dụng nhân sự là một quá trình đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng bởi mỗi người được tuyển vào đều đóng vai trò quan trọng nhất định đối với doanh nghiệp. Với tôi, hồ sơ cho biết những ứng viên phù hợp, đảm bảo họ có các yêu cầu tối thiểu về kinh nghiệm, trình độ chuyên môn. Nhưng để quyết định ứng viên đó có phải là người phù hợp nhất hay không, bước tiếp theo tôi sẽ phải xem lại nguồn thông tin ngoài hồ sơ về ứng viên đó cũng như cách họ thể hiện như thế nào trong quá trình phỏng vấn. Thú thực là trình độ “đánh bóng” hồ sơ của ứng viên bây giờ rất cao (cười).
Chị định nghĩa thế nào là “thông tin ngoài hồ sơ”?
Đó là những thông tin mà hồ sơ không thể chuyển tải hết. Chỉ khi gặp mặt trực tiếp, tôi mới có thể đánh giá về sự chuyên nghiệp, phong thái, uy tín của họ trong lĩnh vực chuyên môn mà tôi đang cần tuyển. Với tôi, đây là những yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định ứng viên đó có phù hợp hay không. Nói một cách bóng bảy thì đó còn gọi đó là thương hiệu cá nhân của ứng viên.
Thương hiệu cá nhân là cái gì đó khá trừu tượng và khó đo lường. Làm sao chị có thể đánh giá được thương hiệu cá nhân của ứng viên trong quá trình tuyển dụng?
Ồ, không quá khó như bạn nghĩ đâu! Có hai cách để bạn đánh giá thương hiệu cá nhân của một người: gián tiếp và trực tiếp.
Trong thời đại thông tin, bạn hãy thử tìm kiếm tên mình trên Google và xem có bao nhiêu kết quả nói về bạn. Còn trong mối quan hệ với bạn bè hay đồng nghiệp, họ nhận xét như thế nào về bạn? Trong tuyển dụng, tôi luôn tìm kiếm thêm thông tin về những ứng viên tiềm năng để có thể đánh giá khách quan hơn, đặc biệt đối với những vị trí quản lý.
Những lần tiếp xúc trực tiếp với ứng viên cũng sẽ cho tôi biết rất nhiều về thương hiệu cá nhân của người đó. Trong quá trình phỏng vấn, tôi thường yêu cầu họ kể lại cách họ đạt được kết quả công việc hay câu chuyện họ vượt qua khó khăn. Lắng nghe và quan sát, bạn sẽ đánh giá được thái độ, phong thái, kinh nghiệm và kỹ năng của ứng viên. Kết quả và thành tích công việc là quan trọng, nhưng cách bạn đạt kết quả đó thế nào, cách bạn làm việc với đội nhóm để đạt tới kết quả đó còn quan trọng hơn.
Ngoài ra, ở vị trí nhà tuyển dụng, tôi đặc biệt quan tâm đến ấn tượng đầu tiên của ứng viên. Đây cũng là một “chỉ số” để đánh giá thương hiệu cá nhân của họ.
Xin chị chia sẻ cụ thể hơn.
Tôi xin kể bạn nghe một ví dụ cụ thể. Khi tuyển một trưởng phòng bán hàng, tôi sẽ rất chú trọng tới cách họ chào hỏi, cách ăn mặc, bắt tay hay trao danh thiếp khi phỏng vấn. Bởi vì nếu họ không đủ chuyên nghiệp trong mắt tôi, chắc chắn họ cũng không thể đủ chuyên nghiệp trong mắt khách hàng sau này. Hay ngôn ngữ cơ thể, cách điều tiết giọng nói, cách chọn ngôn ngữ trình bày của họ chẳng hạn. Có thể họ một hồ sơ rất đẹp, nhiều bằng cấp hay, nhưng nếu không tạo được ấn tượng ban đầu tốt thì sẽ rất khó có lần thứ hai để tạo dựng lại ấn tượng đầu tiên.
Rõ ràng, thương hiệu cá nhân góp phần không nhỏ giúp ứng viên đạt được công việc yêu thích. Bản thân chị cũng rất chú tâm xây dựng thương hiệu cá nhân trong vai trò GĐĐH Mạng cộng đồng doanh nhân Anphabe.com và gần đây nhất là kiêm thêm chủ nhiệm chương trình Chia Sẻ Để Thành Công trên FBNC. Chị có lời khuyên gì cho các bạn trẻ về xây dựng thương hiệu cá nhân để chinh phục nhà tuyển dụng?
Cám ơn bạn có lời khen ngợi! Thương hiệu cá nhân không thể được xây dựng trong một sớm một chiều mà bạn cần có ý thức xây dựng càng sớm càng tốt. Ứng viên nào đã có quá trình xây dựng thương hiệu cá nhân tốt, họ bước vào cuộc phỏng vấn với sự tự tin khác hẳn.
Để làm được điều này, hãy tập trung trở thành chuyên gia trong một vài lĩnh vực chuyên môn hay kỹ năng mà bạn nổi trội, từ đó tạo ra được những giá trị khác biệt và vận dụng thông minh các kênh truyền thông đa dạng để các giá trị đó được ghi nhận nhiều hơn. Nên nhớ xây dựng thương hiệu cá nhân không đơn thuần là việc tiếp thị bản thân mà hơn hết đó là quá trình hoàn thiện mình theo một định hướng nhất định. Trong quá trình tìm việc, bạn cần thể hiện thương hiệu cá nhân đồng nhất từ trong hồ sơ tìm việc, đến lần gặp đầu tiên với nhà tuyển dụng và trong phỏng vấn ứng tuyển.
Ví dụ: Nếu bạn là ứng viên cho vị trí trưởng phòng bán hàng nói trên và thương hiệu của bạn là “Không bao giờ bỏ cuộc” hãy thể hiện doanh số đã đạt được trong hồ sơ cùng với các kỹ năng bán háng, kỹ năng thương lượng (phải đảm bảo là bạn nổi trội về những kỹ năng này). Đồng thời trong buổi phỏng vấn, ngoài tác phong tự tin của một người bán hàng chuyên nghiệp, hãy chuẩn bị sẵn những câu chuyện làm nên thương hiệu của bạn và giúp bạn đứng ở vị trí ngày hôm nay. Nhà tuyển dụng sẽ không thể bỏ qua một ứng viên như vậy!
Chị Thanh Nguyễn sẽ chia sẻ cùng bạn “Bí quyết xây dựng thương hiệu cá nhân trong mắt nhà tuyển dụng” tại hội thảo “Tự tin khởi đầu thành công mới” do VietnamWorks tổ chức. Tham gia và đăng ký vé mời tại www.vietnamworks.com/tutinthanhcong |