Gói an sinh 62.000 tỷ đồng:
Nam Định yêu cầu đẩy nhanh việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ
(Dân trí) - UBND tỉnh Nam Định đã yêu cầu các huyện, thành phố thực hiện ngay việc lập danh sách, thẩm định đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 15/2020/QÐ-TTg để trình UBND tỉnh xét duyệt.
Theo UBND tỉnh Nam Định, thời gian qua, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Ðến ngày 4/5, tỉnh Nam Định đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, thẩm tra danh sách 4 nhóm đối tượng. Cụ thể, toàn tỉnh có 46.093 đối tượng là người có công, thân nhân người có công với cách mạng; 151.258 đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; 79.925 đối tượng bảo trợ xã hội.
Sở LÐ-TB&XH cũng đang tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, doanh nghiệp, đẩy nhanh tiến độ rà soát, lập danh sách, thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ danh sách các đối tượng là người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng hoặc nghỉ việc không hưởng lương; đối tượng hộ kinh doanh trong diện hỗ trợ; đối tượng lao động tự do trong diện hỗ trợ.
Nhằm đẩy nhanh việc rà soát, triển khai danh sách, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - đã ký Công điện số 05/CÐ-UBND gửi các sở, ban, ngành, huyện, thành phố về việc tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp biết và tham gia giám sát.
Đồng thời, Chủ tịch cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương lập danh sách, thẩm định đối tượng người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội cần hỗ trợ, trình UBND tỉnh (qua Sở LĐ-TB&XH Nam Định).
Chủ tịch tỉnh Nam Định cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm việc công khai minh bạch danh sách đối tượng được hỗ trợ với sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp và nhân dân ngay từ đầu.
Ông Phạm Đình Nghị cũng yêu cầu Sở LĐ-TB&XH , Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ; không để xảy ra lợi dụng, trục lợi chính sách; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Theo công điện, UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực hướng dẫn, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, đảm bảo công khai minh bạch; tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền; kịp thời báo cáo những vấn đề phát sinh về UBND tỉnh (qua Sở LĐ-TB&XH Nam Định).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Đức Trọng, Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành rà soát và mới duyệt được cho đối tượng người có công của 2 huyện. Trong những ngày tới (kể cả ngày nghỉ) chúng tôi vẫn làm để kịp rà soát. Vì đối tượng rất đông nên việc rà soát không thể vội vàng để tránh sai sót…”.
Nói về những khó khăn gặp phải, ông Trong cho biết, việc rà soát gặp khá nhiều khó khăn vì 1 người có thể thuộc nhiều đối tượng được hưởng trợ cấp, vì vậy nếu vội vàng sẽ trùng lặp…
Cũng theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định, danh sách các đối tượng hưởng gói hỗ trợ được rà soát đến đâu thì tỉnh sẽ chi trả đến đó. Huyện nào làm xong đến đối tượng nào thì sẽ có quyết định đến đối tượng đó.
Đức Văn