Năm 2030: Chỉ số mức độ hài lòng của người tham gia BHTN đạt 90 %
(Dân trí) - “Chính sách bảo hiểm thất nghiệp là một trong các chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm. Nhưng quan trọng hơn là tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm cho người lao động”.
Sáng 22/8, tại Thái Nguyên, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH) trao đổi với báo giới về Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Theo đó, Đề án được xây dựng trên cơ sở rà soát, tổng kết, đánh giá 10 năm tình hình thực hiện BHTN. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tổ chức các buổi làm việc với một số địa phương cùng với nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là các quốc gia thực hiện thành công chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm việc làm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Đức,...
Theo ông Trần Tuấn Tú, dự thảo đề án đã nhận được ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan; các tỉnh,thành phố trực thuộc Trung ương; các chuyên gia trong và ngoài nước, thông qua các cuộc hội nghị, hội thảo và đóng góp ý kiến trực tiếp và bằng văn bản.
Sau 10 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn năm 2009-2018: Cả nước có gần 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 25,8% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt so với dự kiến; hỗ trợ cho gần 5 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 96,8% được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; thực hiện bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo nguyên tắc chia sẻ, đóng - hưởng và an toàn Qũy; hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề ngày càng được tăng cường hiệu quả…
Bộ LĐ-TB&XH đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp”.
Theo Cục Việc làm, Đề án được xây dựng dựa trên quan điểm nhằm hoàn thiện quản lý bảo hiểm thất nghiệp phải đặt trong chương trình tổng thể cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lao động, tiền lương thu nhập mà nền tảng là các chính sách kinh tế của nhà nước.
Đồng thời tiếp tục củng cố và phát triển hệ thống tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả hiệu lực, hiện đại, nâng cao niềm tin, hấp dẫn và phục vụ đối tượng tham gia, hưởng thụ bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tốt hơn.
Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn thể, các đơn vị sử dụng lao động và người lao động.
Theo ông Trần Tuấn Tú, mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, trong đó tập trung về tổ chức bộ máy và nhân sự, cơ chế tài chính đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả để chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động.
Trên cơ sở đó, các mục tiêu cụ thể được hướng tới cho 3 giai đoạn chính. Giai đoạn đến năm 2021: 100% nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm được đào tạo nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên sâu; tỷ lệ giao dịch điện tử đạt 100%; hoàn tất việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu về bảo hiểm thất nghiệp giữa cơ quan lao động và cơ quan bảo hiểm xã hội.
Giai đoạn đến năm 2025: 100% trung tâm dịch vụ việc làm đạt tiêu chuẩn và được hiện đại hóa; thực hiện tiêu chí đánh giá năng lực và hiệu quả của trung tâm dịch vụ việc làm trong việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; hoàn tất việc chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và thực thi chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Giai đoạn đến năm 2030: chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt mức 90%.
Các nhóm nhiệm vụ và giải pháp
Đề án đã đưa ra 12 nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị thực hiện bảo hiểm thất nghiệp, như: Nhóm giải pháp hoàn thiện hệ thống tổ chức thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; nhóm giải pháp nâng cao năng lực nhân sự thực hiện bảo hiểm thất nghiệp; nhóm giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính và nguồn tài chính…
Đề án cũng đưa ra các kiến nghị, đề xuất về bảo hiểm thất nghiệp đối với Quốc hội, Chính phủ trong đó nhấn mạnh về việc hoàn thiện chính sách việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp để bảo hiểm thất nghiệp thực sự trở thành công cụ quản trị thị trường lao động hiệu quả theo hướng sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm.
Phan Minh