1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Mưu sinh trên internet

Các trang web thông tin rao vặt và quảng cáo miễn phí như: toitim, muabanraovat, raovat… ra đời ngày càng nhiều với số lượng có thể lên đến 2.000 tin/ngày, cũng là miếng đất màu mỡ cho những kẻ có "ngày rộng tháng dài" rắp tâm muốn "săn nai".

Có nhiều cách kiếm tiền trên mạng được nhiều bạn trẻ sử dụng, người thì lao đầu vào những mẫu quảng cáo "kiếm tiền bằng cách đọc thư điện tử", kẻ thì tất bật với kinh doanh "tài sản ảo" từ chơi game… Chưa bao giờ, internet lại mở ra nhiều cơ hội vừa thật vừa ảo đến như vậy!

 

Quảng cáo thật, lợi nhuận ảo

 

Hoài Nam, một thành viên hay tham gia các kiểu kiếm tiền qua mạng thống kê: "Một ngày sau khi đăng ký, các e-mail quảng cáo bắt đầu được gửi tới bạn. Mỗi thư trị giá 5, 10 hoặc 15 cent (tuỳ vào thời gian xử lý mỗi thư), mỗi ngày bạn nhận được từ 10-18 thư. Thêm vào đó, bạn có thể kiếm thêm bằng việc vào website của công ty tổ chức mỗi ngày và click vào các banner quảng cáo, mỗi banner từ 1-5cent.

 

Như vậy nếu bạn chỉ đọc thư và click banner không thôi thì cũng đã kiếm được khoảng 25USD/tháng tương đương 380.000 VND, đối với học sinh, sinh viên hay những bạn chưa tìm được việc thì đó cũng là một khoản khá đó nhỉ!".

 

Phong trào được nhân rộng và nhiều ý tưởng thành lập công ty "môi giới" kiếm tiền qua mạng đã ra đời. Các công ty như Phượng Vũ, GSO - Media,... đã tạo ra những trang web rất chuyên nghiệp với nhiệm vụ "môi giới" hoặc giới thiệu các địa chỉ của những tổ chức đọc email quảng cáo để nhiều bạn trẻ đăng ký làm thành viên. Tuy nhiên, điều quan tâm thật sự của nhiều bạn trẻ khi đọc email quảng cáo là lợi nhuận là thật hay giả?

 

"Từ ngày đăng ký, hơn một tháng nay hộp thư của mình luôn bị quá tải với đủ thứ email trên trời dưới đất, số tiền kiếm được chưa tới 5 USD mà đủ thứ phiền toái kèm theo như máy vi tính thì  chậm hẳn đi vì bị dính những phần mềm gián điệp, chi phí phục vụ cho internet tăng lên rõ rệt!", Bình - một thành viên tham gia Greenhouse nói.

 

Còn thành viên chonthuong@ thì nói: "Thực chất ba cái vụ quảng cáo này toàn dụ dỗ người đăng ký mở email miết, cuối cùng là làm lợi cho chính họ mà mình thì cứ chờ dài cổ.Trong các website ấy chỉ có khoảng 1% là có gửi hoá đơn về tận nhà để lãnh tiền còn phần lớn là hứa hươu hứa vượn cả…".

 

Anh Minh, một chuyên viên về thương mại điện tử cho biết: "Những hình thức kiếm tiền trên mạng đúng nghĩa là những hình thức đăng ký email mở tài khoản để nhận được thư quảng cáo của những công ty kinh doanh trên mạng. Hình thức đọc thư này sử dụng chức năng "đa cấp", người này giới thiệu người khác thì lợi nhuận sẽ càng cao. Phần ăn chia giữa những công ty "cò mồi" và các nhà kinh doanh quảng cáo trên mạng là rất lớn trong khi đó phần trăm chia cho những người "chịu khó" ngồi đọc quảng cáo chỉ là con số nhỏ nhoi không thấm là bao. Vì vậy, thực chất kiếm tiền trên mạng bằng cách đọc quảng cáo chính là đang làm giàu cho người khác mà thôi".

 

 Kinh nghiệm "săn nai"

 

Xuân, nhân viên bán hàng IT cho biết: "Chỉ cần bỏ  một tiếng đồng hồ "canh me" tại các trang web này thì sẽ nhận được những thông tin mua bán rất có giá trị, đại loại như: kẹt tiền cần bán, hàng xách tay giá rẻ… Tất cả đều có giá cả rẻ hơn so với thị trường. Bỏ ra một số tiền mua và chờ vài hôm sau đăng lên bán lại trên chính trang web đó cũng bỏ túi sơ sơ vài trăm ngàn tuỳ loại sản phẩm".

 

Mặt hàng được ưa chuộng nhiều nhất là linh kiện máy tính và điện thoại di động, đặc biệt những điện thoại đời mới hiện đại giá cả chỉ bằng 2/3 so với giá thị trường, còn linh kiện vi tính thì giá trên trời dưới đất, tuỳ thuộc thời gian lên xuống thất thường. Nhân dịp lễ, một bạn đăng thông tin: "Hết tiền đi chơi lễ, cần bán màn hình LCD secondhand giá 80 USD!". Những thông tin như vậy đối với những chuyên gia "săn nai" thì chỉ cần 10 đến 15 phút, người đăng đã nhận được điện thoại đòi đến xem mặt hàng và cuộc thương lượng được ngã giá nhanh chóng.

 

Tuy nhiên, không phải cuộc đi săn nào cũng vớ được hàng đẹp, hàng thơm vì cũng từ trên mạng xuất hiện nhiều tay "độ hàng" siêu cấp!  Đôi khi người "săn nai" đụng phải kẻ "giả nai" cũng là chuyện thường. Xuân nói: "Vì vậy, muốn khỏi bị sập bẫy phải luôn cập nhật thông tin thị trường về các mặt hàng và sản phẩm, không nên thấy giá quá rẻ mà vội  bỏ tiền ra mua thì sẽ bị hố chắc!".

 

Thấy được lợi nhuận từ việc mua bán này, nhiều bạn trẻ đã nảy thêm ý tưởng thành lập những trang web mua bán cá nhân chủ yếu giới thiệu tất cả những mặt hàng của mình. Điển hình như trang web Nhatnguyet, Amtech-vn… là những bạn trẻ yêu thích công nghệ nên chỉ mua bán những mặt hàng vi tính và điện thoại cao cấp. Các mặt hàng được trình  bày giá cả và chi tiết sản phẩm, kết hợp thêm hỏi đáp và tư vấn sản phẩm trực tuyến nếu những người nào có nhu cầu.

 

Phương, chủ nhân của Nhatnguyet cho biết: "Từ khi làm trang web rồi, nhiều khách hàng ở tận Đồng Nai cũng tìm đến mua hàng, có tay sành điệu ở Hà Nội, miền Trung  cũng đòi mình gửi thẳng hàng ra ngoài đó, chịu thêm phí vận chuyển. Mình vừa "săn" được một cái máy chủ 2 CPU mới tinh, có 12 ổ cứng 100G với giá chỉ có 850 USD, rồi nhờ trang web mà sang tay cho một cửa hàng khác được 1.000 USD chỉ trong 3 ngày". Cái khó của việc mua bán trên mạng chính là phải sưu tầm được những món hàng độc đáo và có giá trị, chỉ cần nắm bắt đúng được nhu cầu của những tay yêu thích kỹ thuật công nghệ thì việc mua bán luôn "thuận chèo mát mái".

 

 Cơ hội vàng!

 

Không giỏi về nắm bắt thị trường nhưng biết tận dụng thông tin và thời cơ xuất hiện trên các trang web cũng là một cách thức tạo nên lợi nhuận. Hương, thành viên của diễn dàn Vnstyle cho biết: "Có nhiều diễn đàn của cá nhân hoặc tổ chức trên mạng mới thành lập nên họ thường cần những người góp vui cho diễn đàn, chỉ cần nắm được thông báo tuyển dụng của họ và liên lạc thì sẽ có cơ hội trở thành người tham gia chăm sóc diễn đàn. Khi mình trở thành thành viên đắc lực thì đôi khi cũng được thưởng công xứng đáng, mỗi tháng mình nhận được 50 USD từ người tổ chức diễn đàn gửi cho gọi là lương!".

 

Kinh doanh và kiếm tiền bằng mạng internet đã và đang là một xu hướng mà nhiều bạn trẻ thích lựa chọn vì có được một niềm đam mê, vui thú nho nhỏ vì "chộp" được một món hàng ưng ý hoặc công sức lao động thật sự được đáp ứng và nhanh chóng sinh ra lợi nhuận cho mình, còn những lời quảng cáo trên mạng chỉ là những giấc mơ khó lòng đạt đến.

 

Theo Phạm Vũ

Sài Gòn Tiếp Thị