Muôn màu chuyện buôn “dưa lê” chốn công sở
(Dân trí) - Buôn “dưa lê” là một trong những bệnh “nan y” ở dân công sở và thường bị mang tiếng xấu. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu nhìn nhận ở một góc độ khác thì buôn “dưa lê” cũng có chút “duyên” thầm: rất riêng và rất khác biệt.
Chuyên gia tâm lý Kendy nói: “Chuyện buôn dưa lê ở chốn công sở không còn là chuyện mới vì nó đã tồn tại cố hữu từ rất lâu rồi. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều nhìn nó bằng ánh nhìn thiếu thiện cảm vì cho rằng nó không tốt. Như vậy có quá khắt khe với nó không? Tôi đã nghiên cứu và chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu của căn bệnh này và dưới đây chính là kết quả,…”.
Muôn mầu cảnh buôn dưa lê nơi công sở (Ảnh minh họa)
Điểm cộng
Liên kết mối quan hệ giữa các đồng nghiệp là điểm cộng đầu tiên cho chuyện buôn bán chốn công sở. Không thể phủ nhận rằng việc chuyện trò, tán ngẫu hay đôi khi là trêu đùa giúp ích rất nhiều trong việc tạo môi trường làm việc thân thiện. Khi tám chuyện, bạn có thể tự do biểu đạt ý kiến, thể hiện cảm xúc và đôi khi đó còn là cơ hội để bạn tháo gỡ những thắc mắc trong công việc.
Giúp nhận biết những người bạn chưa hề tương tác, giao tiếp với họ. Kendy nói: “Trường hợp này rất hay xảy ra. Bạn biết đây, bạn làm việc trong tòa nhà 28 tầng với hơn 300 nhân viên. Thật khó để bạn biết hết mặt từng người và càng khó để giao tiếp, làm quen với họ. Nhưng khi bạn tán ngẫu ở công sở, nó sẽ giúp bạn làm điều đó. Bạn sẽ có cả một đội ngũ hùng hậu để trao đổi, để chuyện trò về một ai đó nổi bật trong công ty và làm khác khu vực với bạn. Và khi bạn vô tình gặp người đó, bạn cũng sẽ biết mình phải làm gì thay vì “đứng như trời trồng” và “im như thóc”.
Cho phép bạn theo đuổi một sở thích cá nhân. Bạn thích shopping, thích thời trang, thích điện ảnh hoặc bóng đá,… bạn hoàn toàn có thể tìm kiếm một người cùng chiến tuyến thông qua những cuộc tám rôm rả. Bạn cũng có thể duy trì sở thích chung với người ấy bằng cách trao đổi những địa chỉ, những sản phẩm nổi bật để cả hai cùng tham khảo. Đây cũng được xem là cách làm hiệu quả để giảm stress và thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng.
Truyền đạt thông tin về sở thích, mục đích hoặc lợi ích của ai đó. Buôn bán chốn công sở ngoài tác dụng giảm cẳng thẳng hữu ích còn có tác dụng truyền đạt những thông tin “bổ” và “nóng”. Bổ và nóng ở đây có thể hiểu theo hai cách. Một là những thông tin mới về tình hình công ty, hai là những thông tin kín về sở thích cá nhân của ai đó nổi bật. “Nếu bạn thầm thương trộm nhớ một cô nàng hay một anh chàng nào đó trong công ty, bạn có thể đánh tiếng hỏi dò những đồng nghiệp khác. Có thể cô bạn (anh chàng) đó sẽ trở thành tâm điểm để mọi người truyền nhau những thông tin liên quan. Vô tình bạn lại trở thành người biết nhiều,biết rõ. Đánh cắp trái tim nàng (chàng) chỉ còn là vấn đề thời gian và công sức” Kendy chia sẻ.
Điểm trừ
Có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của bạn. Nếu bạn tham gia quá nhiệt tình vào các cuộc “khẩu chiến”, vô tình bạn đã biến mình thành ông tám, bà tám có tiếng ở công ty. Như vậy thì không hề có lợi cho danh tiếng của bạn vì đơn giản trong ý thức của mọi người buôn dưa lê là bệnh nan y, khó chữa và khó lòng chấp nhận.
Lãng phí thời gian, năng lượng và ảnh hường đến chất lượng công việc. Khi bạn tám chuyện, bạn sẽ chỉ chú tâm đến cuộc chuyện trò mà lơ là những công việc khác quan trọng hơn. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và năng xuất lao động của bạn. Thêm vào đó,hàng giờ ngồi nghe và nói bạn không biết rằng mình đang vung phí một phần lớn năng lượng của bản thân và lãng phí thời gian vào những chuyện không tên.
Ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và châm ngòi mâu thuẫn. Chuyên gia tâm lý Kendy cho biết: “ Những nhân vật chính trong cuộc tám chuyện của dân công sở, nếu tốt thì không nói tới nhưng nếu xấu họ sẽ vô tình bị rơi vào tình trạng cô lập, bất mãn và khó chịu với thói quen ngồi lê. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của họ và đó là khởi nguồn của nhiều mâu thuẫn nảy sinh”.
Lời kết
“Cái gì cũng có hai mặt và cái gì cũng có giới hạn. Giới hạn là khi chúng ta biết đâu là điểm dừng và khi nào nên kết thúc. Chuyện tán ngẫu chốn công sở sẽ không có gì đáng chê trách nếu những người tham gia không đi quá phạm vi, không chen quá sâu vào đời sống cá nhân của người khác cùng những phán xét, bình phẩm phiến diện. Tôi nghĩ rằng, nên xem tám chuyện là một cách để giảm căng thẳng thay vì biến nó thành phương tiện để thỏa mãn những mục đích cá nhân tầm thường. Có như vậy bạn mới không bị mang tiếng xấu và hoàn thành tốt công việc không cùng nỗi lo sợ ai đó phát hiện ra bạn đưa tin sai sự thật” Kendy chia sẻ.