Mượn hồ sơ để đi làm, quyền lợi bảo hiểm xã hội thế nào?

Trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc "trung thực" nên hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

Mượn hồ sơ để đi làm, quyền lợi bảo hiểm xã hội thế nào? - 1
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam, UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn việc giải quyết trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động.

Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian vừa qua, cơ quan này nhận được phản ánh của một số địa phương về việc người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội.

Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trường hợp người lao động mượn hồ sơ của người khác để giao kết hợp đồng lao động là hành vi vi phạm nguyên tắc "trung thực" theo quy định tại khoản 1 Điều 15 của Bộ luật Lao động và vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin khi giao kết họp đồng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động.

Căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 49 của Bộ luật Lao động đây là trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ.

Thẩm quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu và xử lý hợp đồng vô hiệu được thực hiện theo quy định tại Điều 50, Điều 51 của Bộ luật Lao động và mục 3 Chương III của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.

Theo đó, Tòa án nhân dân có quyền tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu. Việc xử lý họp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết họp đồng lao động được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Lao động và Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Tại khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định: "Các vấn đề khác liên quan đến việc xử lý hợp đồng lao động vô hiệu toàn bộ do người giao kết không đúng thẩm quyền hoặc vi phạm nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự".

Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chủ động, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội.

Theo An ninh thủ đô