Một xã thu hàng chục tỷ đồng từ loại quả ngâm 3 ngày mới ăn được
(Dân trí) - Hồng phải ngâm nước tối thiểu 3 ngày để ra hết nhựa chát, giúp khiến quả chín và ngọt hơn. Loại quả này mang lại cho người dân ở Nam Đàn (Nghệ An) hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Loại quả chát cho doanh thu 20 tỷ đồng/năm
Gia đình ông Nguyễn Duy Nhi (xóm 6, xã Nam Anh, Nam Đàn, Nghệ An) trồng khoảng 2ha hồng, với hơn 100 gốc trên sườn đồi, chủ yếu là hồng gáo và hồng cậy. Thời điểm này, gia đình ông đã hoàn tất thu hoạch quả hồng gáo.
"Hồng gáo là loại quả thon, dài, ngon và ngọt hơn hồng cậy. Vụ này chúng tôi thu hoạch 1 tấn quả hồng gáo, giá 30.000 đồng/kg, được 30 triệu đồng", ông Nhi cho hay.
Giống hồng cậy quả nhỏ hơn, thời gian chín muộn hơn, dự kiến khoảng 1 tháng nữa mới vào vụ thu hoạch.
Theo ông Nhi, hồng cậy giá chỉ bằng 2/3 hồng gáo. Gia đình ông dự kiến thu hoạch khoảng 1 tấn hồng cậy, ước đạt 20 triệu đồng.
"Năm nay hồng được giá, người trồng hồng phấn khởi", ông Nhi chia sẻ. Theo người đàn ông này, với địa thế đất vườn đồi, trồng hồng mang lại giá trị kinh tế hơn các loại cây trồng khác. Cùng với hồng, người dân có thể xen canh mít, chè... để nâng cao nguồn thu.
Bên cạnh trồng hồng lấy quả, gia đình bà Trần Thị Loan (xóm 7, xã Nam Anh) còn là cơ sở thu mua hồng của người dân trong xã. Trung bình mỗi năm, cơ sở của bà Loan thu mua khoảng 50 tấn quả, sơ chế và cung cấp cho thị trường thành phố Vinh, Hà Nội.
Theo bà Loan, giá hồng năm nay cao hơn các năm trước. Nếu như các năm trước hồng có giá 18.000-25.000 đồng/kg thì năm nay, giá hồng gáo có thời điểm trên 30.000 đồng/kg.
Hồng được thu hoạch khi quả ngả màu vàng khoảng 70%. Tuy nhiên, lúc này quả còn chát, chưa thể ăn được, do vậy phải trải qua giai đoạn ngâm hoặc ủ hồng, tùy theo nhu cầu sử dụng.
Hồng ủ sẽ chín đỏ, mềm và mọng, vị ngọt đậm. Quá trình ủ hồng kéo dài khoảng 2,5 ngày. Trong khi đó, hồng ngâm sẽ giòn, ngọt, thời gian sử dụng dài và giảm hư hỏng trong quá trình vận chuyển.
"Chúng tôi sử dụng nước giếng khoan để ngâm hồng. Thời gian ngâm tùy vào thời tiết, nếu nắng ấm mất 3 ngày, nếu trời mưa lạnh phải ngâm 4 ngày quả hồng mới ra hết nhựa chát và có độ ngọt đạt yêu cầu", bà Loan cho hay.
Sau khi ngâm đủ thời gian, hồng được rửa qua một lần để làm sạch chất nhờn bám vào vỏ, đóng bì gửi đi tiêu thụ. Quá trình ngâm hồng cần tuyệt đối tránh để vương nước mưa vào thùng, nếu không quả hồng sẽ bị nứt vỏ, hư hỏng.
Phát huy 3 giá trị kinh tế từ cây hồng
Ông Nguyễn Thúc Quang, Chủ tịch UBND xã Nam Anh cho biết, trên địa bàn có gần 100ha trồng hồng, tập trung tại 5/8 xóm của xã. Đây cũng là địa phương có diện tích trồng hồng lớn nhất huyện Nam Đàn.
Theo ông Quang, bên cạnh số gốc hồng cổ thụ trên 100 năm tuổi, còn lại chủ yếu là hồng trong độ tuổi 20-40 năm. Cây hồng không tốn công chăm sóc, ít sâu bệnh, trồng một lần thu hoạch trong nhiều năm.
"Hồng Nam Anh nổi tiếng là giòn, ngọt, độ đường cao, năng suất và chất lượng ổn định. Trung bình mỗi năm, người trồng hồng toàn xã thu hoạch 500-700 tấn quả. Hồng có năm được giá, năm xuống giá, nhưng chỉ tính riêng bán quả, hàng năm người dân trong xã thu hơn 17 tỷ đồng", ông Quang thông tin.
Ông Quang cho biết, cây hồng chiếm vị trí quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Bên cạnh bảo tồn các gốc hồng cổ, mở rộng diện tích trồng mới, địa phương đã và đang xây dựng hướng phát triển nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của loài cây ăn quả này.
Bên cạnh trồng hồng lấy quả bán, thời gian gần đây, trên địa bàn xuất hiện mô hình du lịch trải nghiệm tại các vườn hồng.
Vào cuối tháng 9 âm lịch, gió heo may về cũng là khi những vườn hồng trút bỏ lá, quả hồng chín vàng ruộm cả không gian. Những cành cây khẳng khiu, lúc lỉu quả vàng trở thành điểm nhấn đặc biệt, khiến vườn hồng ở xã bán sơn địa này có sức hấp dẫn kỳ lạ đối với du khách.
Sau thời gian cho các cá nhân ngoài địa bàn "mua quạ" quả và thuê vườn, hiện nhiều hộ trồng hồng đã tự đầu tư các hạng mục để thu hút khách tham quan, chụp ảnh. Mô hình này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho các hộ trồng hồng ở xã Nam Anh.
Để đảm bảo chất lượng và sản lượng cho vụ sau, hoạt động du lịch trải nghiệm được thực hiện khi hồng bắt đầu chín và kết thúc vào tháng 10 âm lịch.
"Ngoài bán hồng quả, xây dựng và phát triển du lịch canh nông từ các vườn hồng, trên địa bàn xã hiện có cơ sở chế biến rượu hồng, đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) 2 sao", ông Quang cho hay.