Một người làm nhiều việc
Một hình ảnh quen thuộc và thường thấy gần đây tại các nhà hàng trong TPHCM là nhiều bạn trẻ vừa thanh toán hóa đơn, vừa ăn món tráng miệng, vừa gọi điện thoại taxi. Họ trở thành những biểu tượng của công việc và sự bận rộn.
Nhiều người trong số họ đang nắm giữ một lúc nhiều "job" (công việc) tại nhiều công ty khác nhau…
Cùng một lúc làm sếp bốn nơi
Trần Nguyên khá nổi tiếng trong giới trẻ TPHCM vì chỉ mới 26 tuổi nhưng Nguyên hiện đang nắm giữ khá nhiều việc một lúc. Nguyên vừa là sinh viên MBA của trường UBI (United Business Institute - Bỉ), vừa quản lý dự án Blog trái tim chuyên về các hoạt động kinh doanh từ thiện trên blog, chuyên viên của dự án Sachhay.com, viết bài cho một số tờ báo và hiện còn đang xúc tiến 2 dự án chưa được công bố. Có thể hình dung Nguyên đang một lúc làm đến 5-6 "job".
Hay như Khôi Nguyên, một chàng trai Quảng Nam sinh năm 1978, lập nghiệp tại TPHCM, hiện đang nắm giữ 3 "job". Công việc chính là Giám đốc điều hành của Công ty Ameron Software, ngoài ra anh còn là chủ quán cà phê Chuồn Chuồn và làm thiết kế kết cấu cho các công trình xây dựng.
"Ngầu" hơn là Trịnh Minh Giang ở Hà Nội. Trong mỗi email gửi ra ngoài của Giang lúc nào cũng đính kèm phía dưới 4 địa chỉ website mà Giang đang công tác tại đó. Chàng trai trẻ sau khi du học từ Pháp trở về chưa đầy 3 năm đã đảm nhiệm đến 4 vị trí, mà toàn là chức "sếp". Anh giữ chức Phó giám đốc tại Công ty sách Alpha Book mà thời gian gần đây ra mắt độc giả những bộ sách về kinh doanh, doanh nhân có giá trị. Không những thế, anh còn là sáng lập viên của Viet Management Group, một diễn đàn nghiên cứu về quản lý tại VN dành cho tất cả các bạn trẻ trong các lĩnh vực tài chính, kế toán, kinh doanh, chiến lược, kinh tế, nguồn nhân lực, tiếp thị...; giữ chức Hiệu trưởng trường quốc tế VIP tại Hà Nội và phó giám đốc marketing tại một công ty du lịch.
Đối với Khôi Nguyên, làm 3 việc một lúc sẽ có nhiều thuận lợi như thu nhập cao, tiếp xúc nhiều lĩnh vực, biết thêm nhiều kiến thức. Kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể áp dụng trong lĩnh vực kia và từ đó có thể phát triển thêm nhiều ý tưởng sáng tạo. Thế nhưng cái khó khăn nhất vẫn là sắp xếp thời gian và công việc. Mỗi ngày anh làm việc chính tại Ameron, tối chạy đến quán cà phê để kiểm tra, quản lý công việc, sau 12 giờ đêm và cuối tuần, anh dành sức cho việc thiết kế kết cấu các công trình, vốn là chuyên môn chính từ trường đại học.
Còn Trần Nguyên thì rất tự hào với sự bận rộn hiện nay của mình, Nguyên cho biết: "Tuy nhiều công việc nhưng hầu hết các việc này của Nguyên đều xoay quanh một chuyên môn mà Nguyên được đào tạo bài bản nhất từ trong nước và nước ngoài là truyền thông. Cái khó nhất theo Nguyên là lên kế hoạch công việc cho mỗi ngày. Kế hoạch phải phù hợp và tuân theo kế hoạch chung hằng tháng". Trong khi đó, thời gian của Trịnh Minh Giang cho 4 "job" lúc nào cũng cố gắng chia ra làm 8. Công việc cứ nhân công việc, mỗi chuyến du lịch của anh chắc chắn đều "đính kèm" một lý do công tác quan trọng.
Cuộc sống có nhiều thứ quan trọng hơn...
Thế nhưng, có được bao nhiêu người "ôm" nhiều job mà quản lý thời gian và công việc hiệu quả như Trịnh Minh Giang, Khôi Nguyên, Trần Nguyên? Nhiều bạn trẻ vì quá do ham mê công việc dẫn đến thiếu ngủ và sức khỏe suy kém. Việc nào cũng ôm nên không xuất sắc việc nào. K.G, một bạn trẻ sau 4 tháng vừa làm biên tập cho một nhà xuất bản vừa "điên đầu" tại một công ty quảng cáo với thời gian biểu dày đặc đã quyết định chỉ còn làm một việc để có thể tập trung hơn và làm hiệu quả hơn. Hay như L.K, làm quản lý nhà hàng và tư vấn viên của một trung tâm Anh ngữ cũng đang tạm thời xin nghỉ cả 2 việc cùng lúc để suy nghĩ thêm về mục đích công việc, mục đích sống của chính mình.
Rõ ràng là ôm nhiều việc cùng 1 lúc không phải lúc nào cũng tốt đối với tất cả mọi người. Tác hại của việc thiếu thời gian là rất trầm trọng. Nhà báo Carl Honoré đã viết trong cuốn best seller Ca ngợi sống chậm rằng: "Cuộc sống còn nhiều thứ quan trọng hơn là tăng tốc". Hãy nhìn vào nước Nhật, nơi người dân bản xứ có từ "karoshi" vốn có nghĩa là "chết vì lao lực".
Có thể nói, điều không tránh khỏi của một cuộc sống vội vã, cáng đáng nhiều việc là khiến chúng ta qua quýt bề ngoài và không thiết lập được mối ràng buộc thực sự với thế giới và những người xung quanh, đặc biệt là những người thân trong gia đình. Nhiều thứ đã bị hủy hoại khi bạn có quá nhiều việc. Chúng ta quên mất cách hân hoan chờ đợi sự việc, cả cách tận hưởng giây phút thành tựu.
Theo Thanh Niên