Gia Lai:

Mở lớp đào tạo nghề cho người tàn tật

(Dân trí) - Sáng nay 5/7, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai đã tổ chức khai giảng các lớp đào tạo nghề của dự án “Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố Pleiku và thị xã An Khê”.

Đây là dự án đào tạo nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi tập trung có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Gia Lai, với tổng giá trị trên 1,2 tỉ đồng.

 

Khoá học gồm 140 học viên được tổ chức thành 7 lớp học với 4 nghề: điện - điện tử, may dân dụng, sửa chữa xe gắn máy và in lụa. Trong số các học viên có 30% là trẻ mồ côi, còn lại là người khuyết tật hệ vận động.

 

Dự án Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật thành phố Pleiku và thị xã An Khê được tổ chức theo mô hình khép kín thí điểm. Theo đó, sau khi người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình chức năng sẽ được tham gia một lớp dạy nghề và tạo việc làm khi đã hoàn thành khoá học.

 

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai, việc dạy nghề cho các học viên khuyết tật và trẻ mồ côi dựa trên điều kiện việc làm thực tế tại địa phương, nơi học viên đang sinh sống. Trong số học viên là người khuyết tật hệ vận động, có một số người trong năm 2006 đã được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tài trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng thành công.

 

Tại buổi khai giảng, ông Trần Hữu Học - Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ người khuyết tật thành phố Pleiku - tuyên bố sẽ đón nhận một phần học viên sau khi tốt nghiệp vào làm việc tại cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật, nơi ông làm giám đốc. 

 

Đây là dự án do Đại sứ quán Australia, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam và Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tài trợ. Dự án sẽ kéo dài trong thời gian 12 tháng, từ tháng 7/2006 đến tháng 6/2007.

 

An Hạ